Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-8

8. HỘI THẦN TIÊN Ở LƯ SƠN
Để sửa chữa những sai lầm trong đại nhảy vọt năm 1958, uốn nắn tư tưởng tả khuynh của cán bộ các cấp, tiếp theo hội nghị Thượng Hải, hạ tuần tháng 5 năm 1959, Bộ chính trị triệu tập hội nghị mở rộng. Tại hội nghị này lần đầu tiên nguyên soái Bành Đức Hoài phát biểu thẳng thắn với Mao Trạch Đông, rằng trách nhiệm trước những sai lầm từ đại nhảy vọt đến nay không thuộc về cấp dưới mà hoàn toàn ở TW, là sai lầm của cả một đường lối. Vì lẽ đó, Mao đã đấu Bành sát ván, 2 người chia tay thật u buồn ảm đạm. Tiếp đó, cuối tháng 6, đầu tháng 7, hội nghị TW lại được triệu tập nhóm họp ở Lư Sơn thuộc địa phận tỉnh Giang Tây, người ta gọi đó là “ Hội thần tiên”, vừa nghỉ hè tránh nóng, vừa sửa tả, chống tả. Trước khi khai hội, ban bí thư yêu cầu lãnh đạo các địa phương về cơ sở điều tra nghiên cứu, đem tất cả tình hình thực tế, những vấn đề còn tồn tại về Lư Sơn thảo luận. Lưu Thiếu Kỳ đặt tiêu đề cho hội nghị này là: “ Nói đủ thành tích, nói hết vấn đề” của đại nhảy vọt năm 1958.
 Tiêu đề do Lưu khởi xướng khiến người ta nhớ lại cục diện trước khi Mao Trạch Đông phản công hữu phái vào mùa xuân năm 1957, có khác chăng lúc ấy Mao hô hào nhân sỹ ngoài Đảng “ đề xuất ý kiến cho Đảng, giúp Đảng thực hiện chỉnh phong” và thề bảo đảm rằng “ người nói vô tội, người nghe sửa mình”, “ không kéo tóc, không dùng gậy, không chụp mũ”. Còn mùa xuân này (1959) Mao lại hô hào trong toàn Đảng “ Học tập tinh thần Hải Thụy”, nói thật, không giả dối, chống tả khuynh, thậm chí dám xả thân, kéo “ hoàng đế hạ mã”.
            Cuối tháng 6-1959, lãnh đạo quân chính, Đảng từ TW đến địa phương lần lượt tụ hội về Lư Sơn. Mao Trạch Đông tá túc trong Mỹ Lư- biệt thự của Tưởng ủy viên trưởng xưa, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Bành Đức Hoài cũng ở tại các biệt thự xưa chỉ dành riêng cho các nguyên lão Quốc dân Đảng như Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu, Trần Quả Phu. Tại Bắc Kinh chỉ để Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình, phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Nghị, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành ở lại giữ nhà. Riêng Trần Vân, Lâm Bưu cáo bệnh xin vắng mặt. Như thường lệ, hội nghị Lư Sơn vẫn ngày lên hội trường, tối đến vũ trường, vị lãnh đạo tối cao nào cũng có bạn nhảy đẹp như tiên phục vụ, nhạc điệu du dương, biên đạo uyển chuyển thiết tha, thật như chốn bồng lai tiên cảnh vậy.
            Sáng ngày 2-7, Lưu Thiếu Kỳ chủ trì phiên khai mạc, Mao ngồi trên ghế chủ tọa mỉm cười, tự tin, đường bệ, hình ảnh vị lãnh tụ anh minh, đoạn đến trước diễn đàn phát biểu đầu tiên. Cách nói của Mao đượm vẻ tản văn, chữ nghĩa rất vần điệu, biền ngẫu như thể thơ phú, ông nói hội nghị Lư Sơn sẽ thảo luận 19 vấn đề. Về tình hình trước mắt thì thành tích là vĩ đại, kinh nghiệm là phong phú, tiền đồ là xán lạn, nhưng Mao cũng mong mọi người hãy bình tĩnh đừng như “con kiến trong chảo nóng”. Còn năm ngoái (1958), cục diện vốn dĩ rất tốt, song ít nhiều hơi mù quáng, chỉ nghĩ tới thuận lợi, không lường được khó khăn, vì thế lời trách cứ không ít, ai bực dọc xin cứ nói ra, nói rồi sẽ thanh thản, hơi thơm hay khí thối đều không nên giữ nó trong bụng.
            Kế đến là nhân vật số 2, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt TW Đảng nhắc lại tiêu đề hội nghị: “Nói đủ thành tích, nói hết khuyết điểm”. Về tình hình năm 1958, Lưu nhận định kinh nghiệm phong phú, bài học sâu sắc, thành tích lớn nhất là toàn Đảng, toàn dân đã có được bài học sâu sắc này, không bi quan, không oán thán, không đổ lỗi cho cấp dưới. Lưu Thiếu Kỳ yêu cầu mọi người phát biểu chân thực, trình bày đúng hiện trạng, nói hết, nói đủ để sau này bước vào chiến trận mới, sửa sai tả khuynh xong và mạnh dạn công tác. Hội nghị họp đến ngày 15-7, không ra nghị quyết, không phát thông báo, nói rồi là xong, không truy cứu trách nhiệm. Hội trường vang lên hàng tràng vỗ tay không dứt sau bài phát biểu của Lưu. Những ai quan tâm và chú ý quan sát một chút thì nhận ra ngay sự khác biệt trong đánh giá tình hình từ đại nhảy vọt năm 1958 đến nay của 2 vị chủ tịch. So với Mao, Lưu thành khẩn, thực tế hơn, ông muốn nhìn nhận tính bức thiết, tính nghiêm túc của vấn đề.
            Sau đó, hội nghị chia tổ thảo luận, bao gồm Hoa Đông, Hoa Bắc, Trung Nam, Tây Nam, lãnh đạo TW cũng được phân công về dự với các tổ. Ví dụ Bành Đức Hoài- phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng tham gia tổ Tây Bắc, Trương Văn Thiên- Tổng bí thư thời Diên An dự ở tổ Hoa Đông, còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức thì tùy ý đến nghe tổ nào phát biểu cũng được, riêng Mao Trạch Đông không cần xuống tổ, một mình ở biệt thự Mỹ Lư xem báo cáo hộin nghị, nắm động thái xu thế mà thôi. Mao có tập quán ngày ngủ, đêm làm việc, nên lúc mọi người hăng hái phát biểu thì Mao đang say giấc, không xuống tổ là phải.
            Tập quán này có từ hồi chiến tranh, hành quân ban đêm, ban ngày trú ẩn tránh phi cơ dịch oanh tạc và Mao giữ cho đến tận hôm nay. Khoảng 3 hay 4 giờ chiều, Mao ngủ dậy ăn điểm tâm, rồi đi bơi, tập thể dục cho dẻo xương cốt, đoạn gọi người nói chuyện, nghe báo cáo tình hình. 8 giờ Mao “ăn trưa”, 9 giờ tối nhảy giao tế hoặc hữu nghị vũ, vui vẻ đến 12h khuya mới ăn tối, đúng 1 giờ sáng thì bắt đầu làm việc, hoặc xem tài liệu, hoặc duyệt công văn, hoặc phân công nhiệm vụ, thậm chí triệu tập cả hội nghị Ban thường vụ BCT. Mao làm việc đến 4-5 giờ sáng thì uống thuốc an thần và lên giường bắt đầu say giấc. Để thích nghi với tình trạng “sáng tối bất phân, ngày đêm đảo ngược” như vậy, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và nhiều vị khác ở Trung Nam Hải đều không thể không thay đổi nếp sinh hoạt, và cũng nhiều phen phải “ăn khuya” cùng Mao.
            Qua thảo luận tổ ở “ Hội thần tiên”, theo tôn chỉ Lưu đề  ra, khí thế giải phóng tư tưởng, tự do phát biểu đã xuất hiện. Một vài bí thư tỉnh ủy lâu nay ôm khư khư cuốn khổ kinh, ấm ức đầy bụng những oan trái do đại nhảy vọt, do mô hình cộng sản chủ nghĩa gây nên, càng phát biểu mạnh dạn, sâu sắc nói hết mọi hiện trạng đau xót về nhà ăn công cộng, luyện gang thép, phs hoại rừng núi, phá hoại tài nguyên… Đào Chú ( Bí thư Quảng Đông), Chu Tiểu Châu (Bí thư Hồ Nam), Lưu Kiến Huân ( Bí thư Quảng Tây), Vương Nhiệm Trọng (Bí Thư Hồ Bắc)…đều nói toạc ra, từ ngày đại nhảy vọt, ăn cơm nhà ăn công cộng đến nay, nhiều nơi đã bắt đầu thiếu lương thực, đói kém, bệnh hoạn, tử vong. Tuy vậy, những bí thư này vẫn phải giữ mồm giữ miệng, vẫn ca ngợi ba ngọn cờ hồng là vĩ đại, Mao chủ tịch là anh minh, nếu có xảy ra vấn đề gì là do sai lầm về phương pháp công tác, chứ không phải do phương châm đường lối hay trách nhiệm của Mao. Họ hiểu rằng, TW, BCT, BTV tất cả là “ ủy ban một người”, Mao chủ tịch đã nói là xem như xong,  Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình có bản lĩnh mấycũng chỉ là trợ thủ mà thôi, mọi người đều nhìn sắc mặt Mao mà hành động, ai tranh luận với Mao thì ắt bị hạ bệ.
            Tại các tổ, Lưu Thiếu Kỳ cũng trao đổi quan điểm và ưu tư của mình, vì bị uy hiếp phê bình là hữu phái, bảo thủ, cắm cờ trắng, nhổ cờ đỏ, cái mũ vẫn còn đó, nên lời nói chân thực không phải dễ.
            Vì sao không ai dám chỉ đích danh Mao Trạch Đông là người gây nên sai lầm năm 1958? Vì sao hội nghị Lư Sơn cứ trầm trầm “ ngày nói đêm nhảy” như vây? Lưu Thiếu Kỳ cảm thấy bế tắc. Giữa lúc ngột ngạt đó, người ta thấy Bành Đức Hoài xuất hiện. Bành lão tướng là Phó tổng tư lệnh hồi ở Tĩnh Cương Sơn, Phó tổng tư lệnh bát lộ quân thời kỳ kháng Nhật, từng làm cho quân đội Thiên Hoàng phải kinh hồn bạt vía trên chiến trường Hoa Bắc. Chính vì Bành hăng hái như vậy, mà ông phải chịu tội với Mao Trạch Đông khi về trấn giữ Diên An. Theo Mao, bát lộ quân trên tiền tuyến phải bảo tồn lực lượng, mở rộng địa bàn, tránh đánh nhau trực diện cùng quân đội Nhật, để cho Nhật tấn công phía Tưởng, sau này cộng quân mới có điều kiện đoạt giang sơn. Nhưng là một quân nhân, vì đại nghĩa dân tộc, Bành không thể nghe Mao, nên vẫn chỉ huy tung hoành diệt Nhật. Sau này Mao mượn cớ Diên An chỉnh huấn, triệu Bành từ Hoa Bắc vềv Hồng Đô, đấu nhau 50 ngày. Mao phê Bành quân phiệt, Bành cãi lại, giao cho tôi lãnh đạo bát lộ quân mà không đánh Nhật thì đánh ai, đồng chí mang danh chủ nghĩa Mac-Lê  mà chẳng hiểu gì cả.
            Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đầu hàng, từ Diên An, Mao Trạch Đông cử 10 vạn binh mã tràn sang vùng Đông bắc, dựa vào uy lực của Hồng quân Liên Xô mà chiếm lấy địa bàn 3 tỉnh này. Cầm quân ra đi có Trần Vân, Bành Chân, Cao Cương, Lâm Bưu, La Vinh Hoàn, Dương Thượng Côn. Diên An tự nhiên hụt hẫng, sau đó Hồ Tôn Nam với 20 vạn quân Quốc Dân Đảng tấn công chiếm Diên An, Bành Đức Hoài chỉ có trong tay 25 ngàn quân nhưng đã đánh bại tinh binh của Hồ, bảo vệ TW, bảo vệ Mao Trạch Đông. Ngày 1-10-1949, khi Mao Trạch Đông cùng Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai, Cao Cương bước lên thành lầu Thiên An Môn dự lễ “ Khai quốc đại diện” lập nền cộng hòa nhân dân thì Bành Đức Hoài và dã chiến quân Tây Bắc đang trên đường ăn gió nằm sương tiến vào Tân Cương. Năm 1950, Mao Trạch Đông lại cử Bành Đức Hoài cầm quân sang Triều Tiên thư hùng sống mái một phen. Hồi ấy Mao định giao nhiệm vụ này cho Lâm Bưu, nhưng Lâm thoái thác vì đang dưỡng bệnh, ngoài tiền tuyến địch quân càng áp sát, Mao mới nghĩ tới Bành đang trấn giữ ải Tân Cương và cho triệu hồi. Về tới Bắc Kinh, Bành không nói một lời nhận ngay nhiệm vụ Tổng tư lệnh chí nguyện quân, chỉ huy hàng triệu quân, 3 năm chiến đấu, cuối cùng với đại chiến dịch Thượng Cam Lĩnh, đánh cho quân Mỹ không thể không ngồi vào bàn đàm phán.
            Nguyên soái Bành Đức Hoài công dày đức trọng, tính tình nóng nảy, căm giận ác bá, tác phong chất phác, chịu khó, chịu khổ. Từ chiến trường Triều Tiên trở về, ông vào ở Vĩnh Phúc Đường trong Trung Nam Hải, đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông gai mắt trước cách sống đế vương xa hoa lãng phí của Mao, ông cũng không vừa lòng với Lưu Thiếu Kỳ phải cúi mình dưới Mao, càng khó chịu vì sự “ trung quân ái quốc” cuả Chu Ân Lai, thay Mao xây dựng cung thất, sửa bể bơi, chọn mỹ nhân nữ. Bành chỉ phục mỗi Trần Vân và Đặng Tiểu Bình, làm việc quả đoán, có chính kiến cá nhân rõ ràng. Ở Trung Nam Hải, mỗi lần họp Bộ Chính Trị, Bành Đức Hoài là người duy nhất dám phát biểu ý kiến bất đồng với Mao Trạch Đông. Mao là bí thư quân ủy TW, nhưng trong công tác thường nhật luôn luôn bị Bành Bộ trưởng chế ngự, vì vậy Mao ngày càng không chịu nổi vị nguyên soái này.
            Tại hộin nghị TW 6 tháng 11-1958, khi đề xuất từ bớt một chức Chủ tịch nước, Mao kèm theo điều kiện nâng Lâm Bưu đang tại gia chữa bệnh lên ủy viên BCT và ngồi ghế phó Chủ tịch Đảng. Lúc ấy khá nhiều người khá bất bình thay cho Bành lão, bởi vì xét các mặt lý lịch, chiến công, sức khỏe, uy tín, danh vọng…Lâm Bưu chưa đến lượt là phó chủ tịch Đảng, nhưng Mao sớm đưa ra vấn đề nhân sự này với Lưu, Chu, Chu, Trần, Đặng nên không ai nỡ làm Mao mất mặt, vả lại Lâm là nguyên soái bệnh nhân, chẳng qua đăng ký cái tên mà thôi. Mao Trạch Đông đã đi một nước cờ khá diệu kế để sau này thay thế Bành Đức Hoài.
            Khi đại nhảy vọt mới bắt đầu khởi sự, Bành lão cũng hơi “nóng đầu” hưởng ứng, nhưng sau đó ông đi khắp 60 địa khu thuộc 10 tỉnh để điều tra nghiên cứu và phát hiện thấy tình hình thực tế hoàn toàn khác hẳn với những gì Mao đã tán dương, lương thực không những không đủ ăn mà còn có nguy cơ chết đói, dân chúng mắc bệnh phù thũng. Vì vậy đầu năm 1959, trong một cuộc hội nghị mở rộng của BCT, trước mặt Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài đã phát biểu: “ Xin các đồng chí đừng cho tôi nói nặng lời, nóng nảy. Chính sách đại nhảy vọt đúng hay sai, tôi nói: sai”. Phát biểu của Bành lão khiến Mao xấu hổ vì bị châm chọc, hai người đấu khẩu một hồi rồi chia tay, bất phân thắng bại…
            Hôm nay tại “Hội thần tiên”, Bành Đức Hoài đã 7 lần đứng lên phát biểu ở tổ, mỗi lần đều phân tích trách nhiệm rõ ràng và chỉ đích danh Mao Trạch Đông. Bành nói “ Quần phải tự cởi, không nên nhờ người khác kéo. Giang Tây vừa nói năm ngoái tăng sản 67%, chẳng khác gì vừa cởi cái quần dài, còn mỗi cái quần lót, cởi nốt đi cho đỡ bị động” hoặc “ cuộc sống?, tất nhiên nhà nước cũng nên chú ý khu phong cảnh, hồ nhân tạo nhưng chầm chậm thôi, lãng phí quá, nhiều tỉnh đang đua nhau xây biệt thự cho đồng chí Mao Trạch Đông” hoặc “chúng ta đúc kết bài học kinh nghiệm, không nên oán hận ai cả, ai cũng có trách nhiệm kể cả đồng chí Mao Trạch Đông trong đó, trách nhiệm chính thuộc về Trung ương chứ không phải địa phương cơ sở”
            Những bài phát biểu đó của Bành Đức Hoài ngày ngày đều được Khang Sinh và Kha Khánh Thi “thêm mắm thêm muối” tấu trình lên Mao, nhưng Mao không hề tỏ thái độ gì. Nghe xong báo cáo, ông vẫn bình tĩnh đọc cổ thư, khiến Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức… đều phải im lặng không dám lên tiếng. Bình thường Mao thường phê mọi người không “dám sờ mông hổ”, nhưng hôm nay Bành đã sờ tới, lão hổ sẽ động tĩnh ra sao, chưa ai có thể đoán định được,
            “Hội thần tiên” lại tiếp tục, Bành Đức Hoài tiếp tục phát biểu, ông thay mặt cho 500 triệu nông dân mong muốn Mao và TW biết sai lầm và sửa chữa nó, cần áp dụng những biện pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn tai họa lớn hơn nữa, thậm chí là nạn đói trong cả nước. Bành Đức Hoài cho rằng chỉ nã pháo như mấy hôm nay chưa đủ, phải gặp Mao, trình bày trực diện với ông. Bành Đức Hoài nắm được thời gian biểu hàng ngày của Mao, đêm khuya thanh vắng trao đổi với nhau chắc dễ dàng tiếp thu hơn, nên đúng 1 giờ sáng ngày 12-7-1959, Bành lão một mình tìm đến biệt thự Mỹ Lư, cảnh vệ bồng súng chào và nhanh chóng báo cho thư ký trực ban, một lát sau người ta báo cáo lại, Mao chủ tịch phá lệ, vừa chợp mắt, mấy ngày hôm nay người khó ngủ. Bành Đức Hoài ngước nhìn lên lầu hai, đèn vẫn sáng, chứng tỏ Mao đang thức, nghe nói ông ta vừa vui vẻ với phục vụ viên trẻ tuổi. Mao tránh mặt không muốn gặp Bành, chắc sợ cãi nhau chăng.
            Không muốn gặp nhau thì ta viết thư vậy, Bành Đức Hoài long nặng bao ưu tư, không nói ra không chịu được, ông như bị thời gian thúc bách, vì ngày 15 thì hội nghị sẽ bế mạc, mọi người ai về nhà đó, vả lại văn phòng TW cũng đưa tin không kéo dài thời gian nữa. Bành Đức Hoài không hài lòng cái kiểu hội nghị nửa nạc nửa mỡ như thế náy, ông tự nhốt mình trong biệt thự đúng một ngày một đêm và cuối cùng gọi thư ký lên, ghi lại những gì ông nói rồi sửa chữa đôi chỗ thành một lá thư với chữ ký rõ ràng “ Bành Đức Hoài”. Thư ký khuyên can ông nên thôi, nhưng Bành lão không chịu, khi đó đã là ngày 13 rồi.
            Lá thư do nhân viên cơ yếu đưa đến biệt thự Mỹ Lư, Bành Đức Hoài chờ cả ngày 14 mà không thấy Mao động tĩnh gì. 10 ngày hôm nay Mao chỉ gặp mỗi một người là Hạ Tử Trân- người vợ trước của ông mà thôi. Ngày ngày Mao ngồi một mình ngoài ban công hút thuốc hoặc dạo bước trong vườn trúc phía sau, ông bồn chồn như hồi chiến tranh, chuẩn bị ra trận. Và cũng thật kỳ lạ, 10 hôm nay, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức chẳng ai đến Mỹ Lư bái kiến, mọi người cứ im lặng chờ đợi, chờ đợi một sự kiện lớn sắp bùng nổ. Không khí Lư Sơn đã đến lúc vô cùng ngạt thở, hoặc Mao Trạch Đông phải tự chịu tội, công nhận sai lầm, hoặc Bành Đức Hoài phải lên dàn lửa.
            Mao Trạch Đông ở Mỹ Lư ngày đêm suy tư, nhẽ nào đây là cái thòng lọng xiết đời ông, ai đã thiết kế để các lộ chư hầu tụ tập về Lư Sơn đấu tố ông, vạch tội 3 ngọn cờ hồng, niềm kiêu hãnh của ông, tất cả như một màn đen, mung lung vô hạn. Bành Đức Hoài vũ phu xung phong lâm trận, tất nhiên là đại diện nhất, còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai thì sao, chẳng phải Lưu đã nhấn mạnh “ nói đủ thành tích, nói hết vấn đề”, vế đầu là cái màn che, vế sau mới là thực chất. Lưu Thiếu Kỳ ngươi giỏi lắm, nhưng lần này chỉ mỗi Bành Đức Hoài sa lưới. Cần phải tránh mọi đấu tranh dẫn đến phân liệt, cải tổ TW, vì vậy Lưu Thiếu Kỳ sẽ thắng. Mao đắn đo cả ngày 14 là vì thế. Cuối cùng ông phê lên một tờ giấy với dòng chữ “ Bản ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài, in phát cho các đồng chí tham khảo” kèm vào lá thư Bành gửi hôm 13.
            Mao chúa ghét người nào tấu thư cho ông mà nói tới chính sự. Năm 1955, Hồ Phong gửi cho Mao một lá thư 20 vạn chữ, kết quả đã rõ liền bị hạ bệ. Còn hôm nay chiến hữu lại gửi thư, phản đối 3 ngọn cờ hồng, đây là những hoạt động chống Đảng, phải nghiêm trị.
             

                                                         (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét