Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-6

6. ĐẠI NHẢY VỌT, ĐẠI THẤT BẠI
Có thể nói rằng, phong trào chống hữu phái là đường lối đại nhảy vọt chính trị thống nhất hiệu lệnh của Mao Trạch Đông. Từ mùa thu năm 1957, bất kỳ ở hội nghị nào của ĐCS, Mao đều công khai chỉ trích Chu Ân Lai, người đề ra khẩu hiệu: “Chống tả khuynh mạo hiểm”. Mao nói, đồng chí hô hào khẩu hiệu này chỉ cách bọn hữu phái có 50 m nữa thôi. Phê phán Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông thực chất muốn ám chỉ nhân vật số 2- Lưu Thiếu Kỳ. Sang đầu năm 1958, mức độ đấu tranh chống Chu Ân Lai thật gay gắt. Tại hội nghị Nam Ninh tháng giêng, hội nghị Vũ Xương tháng 2, hội nghị Thành Đô tháng 3, rồi hội nghị Trịnh Châu, hội nghị Bắc Đới Hà vào mùa hè, trước mặt toàn thể ủy viên TW, trước mặt đầy đủ các bí thư tỉnh ủy, thành phố, khu tự trị, Mao Trạch Đông đều chỉ mặt gọi tên người đã đề xướng khẩu hiệu : “Chống tả khuynh mạo hiểm”, là mất lập trường, là rất gần hữu phái, chỉ 50m nữa thôi, dụng ý của Mao là bức Chu Ân Lai phải từ chức Thủ tướng quốc vụ viện. Chu đã viết và đọc hơn 20 bản kiểm điểm, nhưng không hề đệ đơn từ chức bao giờ. Chu Ân Lai nhận lỗi là cũng vì Lưu, nhưng Mao chưa đả động gì đến Lưu, khiến Lưu đành phụ họa phê Chu, Chu thật đau lòng. Và họ đã trúng diệu kế của Mao, liên minh Lưu-Chu bị tan rã ngay từ lúc mới manh nha.
            Song song với những hoạt động phê phán sai lầm hữu khuynh của Chu Ân Lai, Trần Vân, Mao cuồng nhiệt dấy lên phong trào giương cao 3 ngọn cờ hồng “ đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân” và phát động một loạt phong trào hại dân, hại nước chưa từng thấy trong lịch sử, điển hình là “đại nhảy vọt kinh tế năm 1958” “toàn dân xây dựng công xã nhân dân, xây dựng nhà ăn công cộng” “toàn dân luyện gang thép”. Tiếc thay trong TƯ không ai dám đứng ra can gián Mao, giúp ông điều chỉnh bớt sự ngông cuồng đó. Ngày 4-8-1958, Mao thân hành về huyện Hà Thủy tỉnh Hà Bắc dự lễ ra quân xây dựng thí điểm mô hình chủ nghĩa cộng sản. Khi nghe bí thư huyện ủy là Trương Quốc Trung báo cáo láo sản lượng tiểu mạch hai vạn cân mỗi mẫu, khoai tây một triệu cân, lợn thịt một ngàn cân một đầu, Mao Trạch Đông khen Trương quả xứng đáng con cháu Trung Hoa, ông tươi cười hỏi mọi người, bà con sản xuất ra nhiều lúa gạo, khoai sắn lợn gà như vậy ăn sao hết, nếu ăn không hết thì phải làm gì. Phải xây dựng công xã nhân dân. Mao khẳng định và chỉ thị cho cả nước học tập Từ Thủy, làm như Từ Thủy, tiến tới toàn quốc sẽ ăn cơm miễn phí. Mao hiệu triệu toàn Đảng ra tay, toàn dân xung trận, cả nước luyện gang thép, 15 năm nữa sẽ vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, ông yêu cầu mỗi tỉnh chế tạo 200 máy bay, mỗi xã có ít nhất 2 chiếc, thực hiện giao thông hiện đại và toàn Trung Quốc sẽ là một đại công xã.
            Hạ tuần tháng 5-1958, nguyên soái Lâm Bưu được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính Trị, giữ chức phó Chủ tịch Đảng, đây là bước chuẩn bị của Mao nhằm thay thế Bành Đức Hoài, người công dày đức trọng và đang ở vị trí Bộ Trưởng BQP. Tại hội nghị TW 5 hồi ấy, Chu vẫn tiếp tục bị kiểm thảo phê bình. Lưu mới chỉ nói gần nói xa, nào thực sự cầu thị, nào tránh tự cao, tự đại, mà không nên nóng vội… mà chưa hề chọc thẳng vào “lô cốt” của Mao. Tháng 9, Lưu Thiếu Kỳ về Từ Thủy nắm tình hình, chao ôi, mới hơn 30 ngày mà những gì Lưu nghe Mao nói về điển hình CNXH ở đây đều hoàn toàn đổi thay, đào đâu ra tiền cho mô hình này, kế hoạch 11 trường đại học, 84 học viện hồng chuyên và 1348 nhà máy của Từ Thủy nhanh chóng bị đẻ non, có chăng để lại là sự lãng phí như núi, như sông. Lưu Thiếu Kỳ không thể không phê phán “ Dự thảo quy hoạch tiến lên chủ nghĩa cộng sản” và đề nghị xét lại mô hình Từ Thủy. Kề cũng cả gan, nhưng ông dám đối đầu với Mao vì thực tế nhãn tiền rất có sức thuyết phục, 18 chuyên gia do Mao phái về Từ Thủy xây dựng mô hình chủ nghĩa cộng sản cuối cùng phải nói thật tình hình như Lưu Thiếu Kỳ đã nắm, vì vậy Mao im lặng không chỉ trích Lưu, đồng ý “dẹp” chủ nghĩa cộng sản ở Từ Thủy và giao TW cùng tỉnh ủy Hà Bắc thu dọn hậu quả chiến trường.
            Sự phá sản của mô hình chủ nghĩa cộng sản thí điểm ở huyện Từ Thủy vẫn chưa làm Mao tỉnh ngộ, Ông tiếp tục tuần thú 4 phương, đi đâu cũng hô hào đại nhảy vọt, công xã nhân dân, nhà ăn công cộng, toàn dân luyện gang thép, Mao đề ra chỉ tiêu 700 triệu người, 700 triệu tấn. Gang thép từ đâu ra? Mao trả lời, từ bàn tay của nam phụ lão ấu, dỡ nhà xây lò, đập xoong nồi làm nguyên liệu, phong trào hừng hực khắp đất Thần Châu. Trong lúc Mao Trạch Đông cuồng nhiệt với 3 ngọn cờ hồng thì Chu Ân Lai và Trần Vân vẫn “chăm chỉ” viết kiểm thảo, còn Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, chưa bị Mao khiển trách cũng chỉ dám lí luận chung chung, cần thế này, nên thế kia. Riêng Bành Đức Hoài và Trương Văn Thiên hoàn toàn bàng quan, lạnh nhạt. Người ta ngạc nhiên vì sao một mình Mao lại tung hoành ngang dọc như vậy, chỗ dựa của ông là gì? Có lẽ thứ nhất là lòng tôi trung cuả thần dân đối với hoàng thượng. Thứ hai, Mao nắm một hệ thống bảo vệ chính trị có quyền sinh quyền sát của ĐCS. Càng diệu kế hơn là khi đã cảm nhận được ba ngọn cờ hồng của mình đang và sẽ gây tai họa muôn dân, tại hội nghị Trung ương tháng 11-1958, Mao khôn ngoan chia công tác Đảng thành tuyến 1, tuyến 2. Tuyến 1 giao cho Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, phần mình nhận tuyến 2, chuyên công tác nghiên cứu lý luận Mac-Lê, Mao đề xuất từ bớt chức vụ chủ tịch nước, giao lại cho ai, ông chẳng chỉ định mà cũng không đề cử. Ý của Mao muốn Chu Ân Lai ngồi vào cái ghế hữu danh vô thực này, rút lui chức vụ thủ tướng quốc vụ viện, nhưng ông chỉ tạo hỏa mù mà thôi. Mọi người trên Trung ương thở phào nhẹ nhõm, thâm chí ai đó còn cho rằng cần chúc mừng hạnh phúc, từ nay chúng ta tôn vinh người là hoàng thưởng, để người vui vầy với đám mỹ nữ, giai nhân, an hưởng tuổi già, thế chẳng phải là phúc đức cho xã tắc hay sao. Mao Trạch Đông không làm chủ tịch nước nữa, vậy trung ương phải đề cử nười kế nhiệm, để đến khóa sau của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc giơ tay biểu quyết thông qua. Thoạt đầu không ai hó hé, kể ra Chu Đức, Chu Ân Lai, Trần Vân đều đủ tư cách, nhưng cả ba cứ im lặng chẳng tỏ thái độ gì, cuối cùng với danh nghĩa Tổng Bí thư Ban Bí thư, Đặng Tiểu Bình phát biểu, chủ tịch nước, tôi xin đề cử một người-Lưu Thiếu Kỳ. Danh tính Lưu Thiếu Kỳ vừa xướng tên, ai cũng cảm thấy phù hợp luân lý của Đảng, từ năm 1945 đến nay ông luôn là nhân vật số 2 của ĐCS, nay ra đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước là phải đạo lắm rồi.
            Đầu năm 1959, “tổ điều tra nghiên cứu” do Mao Trạch Đông cử về các địa phương công tác đều thu thập và báo cáo lên ông những tin tức rất xấu xung quanh cuộc đại nhảy vọt, bốc đồng, giả tạo, kinh tế quốc dân bị tổn thất nghiêm trọng, có nơi bắt đầu đói kém, chết người. Mới chỉ 4 tháng thôi,trước đẩy ở Từ Thủy (Hà Bắc), Tân Hương (Hà Nam), Lịch Thành (Sơn Đông), những nơi mà Mao đến thị sát, đâu đâu ông cũng nghe “tiểu mạch hai vạn cân một mẫu, khoai tây đến đến cả triệu cân”, Mao còn lo sản xuất nhiều đến thế, ăn không hết thì làm sao. Nhưng hiện nay, chẳng những không thừa mà còn thiếu hụt, tất cả chỉ tại cái tật nói láo.
            Từ ngày về Bắc Kinh, Mao thành lập một cơ quan rất đặc biệt gọi là “Văn phòng Mao Chủ tịch” (gọi tắt theo tiếng Trung Quốc-“Mao biện”) bao gồm đủ loại thư ký: chính trị, quân sự, ngoại giao, công nghiệp, nông nghiệp,tài chính, văn giáo, cảnh vệ, cơ yếu, sinh hoạt. Dưới các vị đại thư ký này, mỗi ngành còn có cơ man là tiểu thư ký, Mao cử những thư ký của văn phòng mình dự thính, ghi biên bản  lại tất cả các cuộc hội nghị Bộ Chính trị, Văn phòng Thủ tướng, qua đó Mao thò tay và khống chế Ban Bí thư cũng như Quốc vụ viện, hình thành một “nội các nhỏ của thái thượng hoàng” trùm lên cơ quan trung ương và chính phủ, thực sự là hạt nhân quyền lực và hệ thống siêu đặc vụ. mao không tin các báo cáo của Ban Bí thư do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình phụ trách, và của Quốc vụ viện bên Chu Ân Lai và Trần Vân, vì vậy mới cử người mình, “Mao biện” đi điều tra tình hình, nắm “tư liệu số 1”.
            Mao Trạch Đông cũng không phải hoàn toàn nghe “tư liệu số 1” do tay chân của mình cung cấp, mà còn vặn vẹo, tra hỏi để xác tín và xử lý. Năm 1958, lúc tranh luận về đập nước Tam Hiệp xây dựng trên sống Trường Giang, nghe xong Lý Nhuệ-thư ký công nghiệp báo cáo tình hình, Mao liền phán “việc này chưa gấp, tiếp tục điều nghiên!”. Đến năm 1962, Mao cử Điền Gia Anh-thư ký chính trị đi An Huy điều tra vấn đề “khoán hộ”. Điền về báo cáo, Mao gắt um lên, phủ nhận “khoán hộ”, ông cho rằng đây không phải là biện pháp tự cứu đói mà là làm ăn cá thể, phục hồi hữu khuynh, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Mao Trạch Đông hòai nghi Điền Gia Anh nghe lời Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình về “bức” ông, hòng thủ tiêu công xã nhân dân, cho nông dân trở lại trạng thái riêng lẻ ngày xưa.
            Mùa xuân năm 1959, tin tức do “Mao biện” dồn dập vào Trung Nam Hải, Mao có phần giảm cơn sốt, không nghe ông nhắc tới 700 triệu tấn gang thép, 350 triệu cân lương thực, cũng như giấc mộng 15 năm rượt Anh, đuổi kịp Mỹ nữa, mà đã bắt đầu xuất hiện những từ “thực sự cầu thị”, “thực tế”... Mao Trạch Đông đề nghị Lưu Thiếu Kỳ lấy danh nghĩa Trung ương gửi cho toàn Đảng một văn kiện nhằm làm dịu tình hình, bình tĩnh sửa chữa những sai lệch trong công tác kể từ ngày có đại nhảy vọt và công xã nhân dân tới nay. Lưu Thiếu Kỳ biết rõ bản tính của Mao là đa nghi, phản thùng, nói một đường làm một nẻo. Nếu Trung ương ra văn kiện sửa sai tả khuynh như Mao đề nghị, nhưng bỗng ông không thừa nhận, thâm chí lật lọng thì biết làm sao. Đã có nhiều trường hợp khiến Lưu phải rùng mình và không thể không cảnh giác lúc này, tỷ như vấn đề Cao Cương, hợp tác hóa nông nghiệp, nguyên tắc lãnh đạo tập thể mà Đại hội 8 đã quy định, bài xã luận đầu năm 1957, hô hào trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng, đua tranh xong quay lại chụp mũ... nói thay đổi là thay đổi, tiền hậu bất nhất, đến như Chu Ân Lai là người biết rào trước đón sau mà cũng không trụ nổi với Mao.
            Có lẽ đây là lần xử lý tài tình của Lưu Thiếu Kỳ, thể hiện trí tuệ trị quốc của ông. Biết tính Mao háo công và không ưa nghe sự thật, Lưu đề nghị: Tình thế cả nước hiện đã chuyển biến tốt, nếu giả sử có vấn đề thì chẳng qua “mười ngón tay, chín dài một ngắn”mà thôi, nếu lấy danh nghĩa Trung ương phát văn bản sợ làm cho cấp dưới hiểu lầm, kinh tế quốc dân đang đang xảy ra đại loạn chăng, hay Chủ tịch với cương vị của mình gửi thư chỉ thị cho tất cả các đồng chí trong Đảng, nhấn mạnh sửa chữa sai lệch tả khuynh, đề xướng thực sự cầu thị, báo cáo chính xác, không khoa trương, khoác lác... Kiến nghị của Lưu làm Mao hài lòng, chẳng phải lấy danh nghĩa Chủ tịch mà gửi thư thì càng chứng tỏ sự anh minh của ta hay sao, càng củng cố uy tín, củng cố địa vị lãnh tụ tối cao chứ có ảnh hưởng xấu gì đâu. Mao Trạch Đông liền cử Điền Gia Anh và nhóm “tú tài” của ông dự thảo bức thư nội bộ Đảng, hãy giảm sốt cho đại nhảy vọt, cho ba ngọn cờ hồng. Trong thư, Mao yêu cầu toàn Đảng phải kiên trì tác phong nói đúng sự thật, làm thế nào, báo cáo thế ấy, ví dụ sản lượng năm ngoái 300cân, năm nay nâng lên 400 là khá lắm rồi, còn nhà ăn công cộng thì cần tiết kiệm lương thực, mùa màng bận rộn có thể ăn cơm, lúc nông nhàn rảnh rỗi phải ăn cháo...

            Người đời bình luận, Lưu quả là cao thủ! Đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân ba ngọn cờ hồng, cộng thêm luyện gang thép, xây dựng nhà ăn công cộng... tất cả đều là sản phẩm của Mao, sáng tạo trong lúc đầu óc ông cuồng nhiệt nhất, một thời khiến ông rực rỡ, không ai dám can gián ông hãy hạ cơn sốt, nay xảy ra vấn đề, sao lại đổ trách nhiệm cho Trung ương, buộc Trung ương kêu gọi sửa sai. Gieo gió thì phải gặt bão chứ, mấy bận họp Trung ương chẳng phải ông từng tuyên truyền sản lượng hàng vạn, hàng triệu, dư ăn biết làm sao, mà nay “bỗng dưng” hạ xuống, chỉ là chục, là trăm, không đủ ăn và bắt đầu chết đói, cho nên để ông tự viết thư cho toàn Đảng, chỉ thị hay nói đúng hơn là cầu khẩn sửa sai, có như vậy mới đáng là “gậy ông đập lưng ông”, kể ra Lưu Thiếu Kỳ cũng khá thâm thúy!
                                       ( Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét