Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Lưu Thiếu Kỳ& ân oán Trung nam hải- 9

                             Vòng ma quỷ
Ngày 15.7, văn phòng TW thông baos, hội nghị Lư Sơn sẽ kéo dài, và sẽ biên chế lại các tổ đại biểu. Sau khi nhận được tin này, Bành Đức Hoài rất vui, ông nghĩ bức thư của mình đã có tác dụng, trung ương phải giải quyết một cách nghiêm túc các sai lầm trong công tác và kiểm thảo sự lệch lạc về đường lối lãnh đạo.
Sáng sớm ngày 16 tháng 7, liên tục sau 2 đêm thức trắng, Mao Trạch Đông bảo thư ký gọi điện thoại thông báo mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và 3 vị thường vụ BCT đến biệt thự Mỹ Lư hội ý công tác. Vương Quang Mỹ vợ Lưu nhận được điện thoại liền phàn nàn với thư ký của Mao rằng, đồng chí Lưu Thiếu Kỳ vừa uống thuốc an thần, mới chợp mắt, thuốc đang gây tác dụng gọi mãi vẫn chưa tỉnh. Thư ký thỉnh thị xin ý kiến Mao, Mao trả lời không được, bảo hãy cho người dựng Lưu dậy và dìu ông ấy tới đây ngay. Quang Mỹ không còn cách nào thoái thác nữa đành kêu nhân viên phục vụ giúp đỡ mặc quần áo cho Lưu Thiếu Kỳ trong lúc ông ta đang say giấc, rồi cứ thế xiên bên này, xẹo bên kia, vừa đỡ vừa đẩy ông ra xe, trông đến là tội nghiệp.
 Cả vị Lưu, Chu, Chu vẫn còn ngái ngủ khi đã tới biệt thự Mỹ Lư. Mao Trạch Đông bảo hộ lý bảo vệ sức khỏe pha cho mỗi người một cốc trà đặc, rồi chỉ lá thư của Bành Đức Hoài nằm trên bàn và nói: " ba đồng chí vẫn còn say giấc hay sao, các đồng chí hãy đọc thư của đại tướng quân Bành Đức Hoài đi",...

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-8

8. HỘI THẦN TIÊN Ở LƯ SƠN
Để sửa chữa những sai lầm trong đại nhảy vọt năm 1958, uốn nắn tư tưởng tả khuynh của cán bộ các cấp, tiếp theo hội nghị Thượng Hải, hạ tuần tháng 5 năm 1959, Bộ chính trị triệu tập hội nghị mở rộng. Tại hội nghị này lần đầu tiên nguyên soái Bành Đức Hoài phát biểu thẳng thắn với Mao Trạch Đông, rằng trách nhiệm trước những sai lầm từ đại nhảy vọt đến nay không thuộc về cấp dưới mà hoàn toàn ở TW, là sai lầm của cả một đường lối. Vì lẽ đó, Mao đã đấu Bành sát ván, 2 người chia tay thật u buồn ảm đạm. Tiếp đó, cuối tháng 6, đầu tháng 7, hội nghị TW lại được triệu tập nhóm họp ở Lư Sơn thuộc địa phận tỉnh Giang Tây, người ta gọi đó là “ Hội thần tiên”, vừa nghỉ hè tránh nóng, vừa sửa tả, chống tả. Trước khi khai hội, ban bí thư yêu cầu lãnh đạo các địa phương về cơ sở điều tra nghiên cứu, đem tất cả tình hình thực tế, những vấn đề còn tồn tại về Lư Sơn thảo luận. Lưu Thiếu Kỳ đặt tiêu đề cho hội nghị này là: “ Nói đủ thành tích, nói hết vấn đề” của đại nhảy vọt năm 1958.
 Tiêu đề do Lưu khởi xướng khiến người ta nhớ lại cục diện trước khi Mao Trạch Đông phản công hữu phái vào mùa xuân năm 1957, có khác chăng lúc ấy Mao hô hào nhân sỹ ngoài Đảng “ đề xuất ý kiến cho Đảng, giúp Đảng thực hiện chỉnh phong” và thề bảo đảm rằng “ người nói vô tội, người nghe sửa mình”, “ không kéo tóc, không dùng gậy, không chụp mũ”. Còn mùa xuân này (1959) Mao lại hô hào trong toàn Đảng “ Học tập tinh thần Hải Thụy”, nói thật, không giả dối, chống tả khuynh, thậm chí dám xả thân, kéo “ hoàng đế hạ mã”.
            Cuối tháng 6-1959, lãnh đạo quân chính, Đảng từ TW đến địa phương lần lượt tụ hội về Lư Sơn. Mao Trạch Đông tá túc trong Mỹ Lư- biệt thự của Tưởng ủy viên trưởng xưa, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Bành Đức Hoài cũng ở tại các biệt thự xưa chỉ dành riêng cho các nguyên lão Quốc dân Đảng như Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Lập Phu, Trần Quả Phu. Tại Bắc Kinh chỉ để Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình, phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Nghị, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành ở lại giữ nhà. Riêng Trần Vân, Lâm Bưu cáo bệnh xin vắng mặt. Như thường lệ, hội nghị Lư Sơn vẫn ngày lên hội trường, tối đến vũ trường, vị lãnh đạo tối cao nào cũng có bạn nhảy đẹp như tiên phục vụ, nhạc điệu du dương, biên đạo uyển chuyển thiết tha, thật như chốn bồng lai tiên cảnh vậy.
            Sáng ngày 2-7, Lưu Thiếu Kỳ chủ trì phiên khai mạc, Mao ngồi trên ghế chủ tọa mỉm cười, tự tin, đường bệ, hình ảnh vị lãnh tụ anh minh, đoạn đến trước diễn đàn phát biểu đầu tiên. Cách nói của Mao đượm vẻ tản văn, chữ nghĩa rất vần điệu, biền ngẫu như thể thơ phú, ông nói hội nghị Lư Sơn sẽ thảo luận 19 vấn đề. Về tình hình trước mắt thì thành tích là vĩ đại, kinh nghiệm là phong phú, tiền đồ là xán lạn, nhưng Mao cũng mong mọi người hãy bình tĩnh đừng như “con kiến trong chảo nóng”. Còn năm ngoái (1958), cục diện vốn dĩ rất tốt, song ít nhiều hơi mù quáng, chỉ nghĩ tới thuận lợi, không lường được khó khăn, vì thế lời trách cứ không ít, ai bực dọc xin cứ nói ra, nói rồi sẽ thanh thản, hơi thơm hay khí thối đều không nên giữ nó trong bụng.
            Kế đến là nhân vật số 2, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt TW Đảng nhắc lại tiêu đề hội nghị: “Nói đủ thành tích, nói hết khuyết điểm”. Về tình hình năm 1958, Lưu nhận định kinh nghiệm phong phú, bài học sâu sắc, thành tích lớn nhất là toàn Đảng, toàn dân đã có được bài học sâu sắc này, không bi quan, không oán thán, không đổ lỗi cho cấp dưới. Lưu Thiếu Kỳ yêu cầu mọi người phát biểu chân thực, trình bày đúng hiện trạng, nói hết, nói đủ để sau này bước vào chiến trận mới, sửa sai tả khuynh xong và mạnh dạn công tác. Hội nghị họp đến ngày 15-7, không ra nghị quyết, không phát thông báo, nói rồi là xong, không truy cứu trách nhiệm. Hội trường vang lên hàng tràng vỗ tay không dứt sau bài phát biểu của Lưu. Những ai quan tâm và chú ý quan sát một chút thì nhận ra ngay sự khác biệt trong đánh giá tình hình từ đại nhảy vọt năm 1958 đến nay của 2 vị chủ tịch. So với Mao, Lưu thành khẩn, thực tế hơn, ông muốn nhìn nhận tính bức thiết, tính nghiêm túc của vấn đề.
            Sau đó, hội nghị chia tổ thảo luận, bao gồm Hoa Đông, Hoa Bắc, Trung Nam, Tây Nam, lãnh đạo TW cũng được phân công về dự với các tổ. Ví dụ Bành Đức Hoài- phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng tham gia tổ Tây Bắc, Trương Văn Thiên- Tổng bí thư thời Diên An dự ở tổ Hoa Đông, còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức thì tùy ý đến nghe tổ nào phát biểu cũng được, riêng Mao Trạch Đông không cần xuống tổ, một mình ở biệt thự Mỹ Lư xem báo cáo hộin nghị, nắm động thái xu thế mà thôi. Mao có tập quán ngày ngủ, đêm làm việc, nên lúc mọi người hăng hái phát biểu thì Mao đang say giấc, không xuống tổ là phải.
            Tập quán này có từ hồi chiến tranh, hành quân ban đêm, ban ngày trú ẩn tránh phi cơ dịch oanh tạc và Mao giữ cho đến tận hôm nay. Khoảng 3 hay 4 giờ chiều, Mao ngủ dậy ăn điểm tâm, rồi đi bơi, tập thể dục cho dẻo xương cốt, đoạn gọi người nói chuyện, nghe báo cáo tình hình. 8 giờ Mao “ăn trưa”, 9 giờ tối nhảy giao tế hoặc hữu nghị vũ, vui vẻ đến 12h khuya mới ăn tối, đúng 1 giờ sáng thì bắt đầu làm việc, hoặc xem tài liệu, hoặc duyệt công văn, hoặc phân công nhiệm vụ, thậm chí triệu tập cả hội nghị Ban thường vụ BCT. Mao làm việc đến 4-5 giờ sáng thì uống thuốc an thần và lên giường bắt đầu say giấc. Để thích nghi với tình trạng “sáng tối bất phân, ngày đêm đảo ngược” như vậy, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và nhiều vị khác ở Trung Nam Hải đều không thể không thay đổi nếp sinh hoạt, và cũng nhiều phen phải “ăn khuya” cùng Mao.
            Qua thảo luận tổ ở “ Hội thần tiên”, theo tôn chỉ Lưu đề  ra, khí thế giải phóng tư tưởng, tự do phát biểu đã xuất hiện. Một vài bí thư tỉnh ủy lâu nay ôm khư khư cuốn khổ kinh, ấm ức đầy bụng những oan trái do đại nhảy vọt, do mô hình cộng sản chủ nghĩa gây nên, càng phát biểu mạnh dạn, sâu sắc nói hết mọi hiện trạng đau xót về nhà ăn công cộng, luyện gang thép, phs hoại rừng núi, phá hoại tài nguyên… Đào Chú ( Bí thư Quảng Đông), Chu Tiểu Châu (Bí thư Hồ Nam), Lưu Kiến Huân ( Bí thư Quảng Tây), Vương Nhiệm Trọng (Bí Thư Hồ Bắc)…đều nói toạc ra, từ ngày đại nhảy vọt, ăn cơm nhà ăn công cộng đến nay, nhiều nơi đã bắt đầu thiếu lương thực, đói kém, bệnh hoạn, tử vong. Tuy vậy, những bí thư này vẫn phải giữ mồm giữ miệng, vẫn ca ngợi ba ngọn cờ hồng là vĩ đại, Mao chủ tịch là anh minh, nếu có xảy ra vấn đề gì là do sai lầm về phương pháp công tác, chứ không phải do phương châm đường lối hay trách nhiệm của Mao. Họ hiểu rằng, TW, BCT, BTV tất cả là “ ủy ban một người”, Mao chủ tịch đã nói là xem như xong,  Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình có bản lĩnh mấycũng chỉ là trợ thủ mà thôi, mọi người đều nhìn sắc mặt Mao mà hành động, ai tranh luận với Mao thì ắt bị hạ bệ.
            Tại các tổ, Lưu Thiếu Kỳ cũng trao đổi quan điểm và ưu tư của mình, vì bị uy hiếp phê bình là hữu phái, bảo thủ, cắm cờ trắng, nhổ cờ đỏ, cái mũ vẫn còn đó, nên lời nói chân thực không phải dễ.
            Vì sao không ai dám chỉ đích danh Mao Trạch Đông là người gây nên sai lầm năm 1958? Vì sao hội nghị Lư Sơn cứ trầm trầm “ ngày nói đêm nhảy” như vây? Lưu Thiếu Kỳ cảm thấy bế tắc. Giữa lúc ngột ngạt đó, người ta thấy Bành Đức Hoài xuất hiện. Bành lão tướng là Phó tổng tư lệnh hồi ở Tĩnh Cương Sơn, Phó tổng tư lệnh bát lộ quân thời kỳ kháng Nhật, từng làm cho quân đội Thiên Hoàng phải kinh hồn bạt vía trên chiến trường Hoa Bắc. Chính vì Bành hăng hái như vậy, mà ông phải chịu tội với Mao Trạch Đông khi về trấn giữ Diên An. Theo Mao, bát lộ quân trên tiền tuyến phải bảo tồn lực lượng, mở rộng địa bàn, tránh đánh nhau trực diện cùng quân đội Nhật, để cho Nhật tấn công phía Tưởng, sau này cộng quân mới có điều kiện đoạt giang sơn. Nhưng là một quân nhân, vì đại nghĩa dân tộc, Bành không thể nghe Mao, nên vẫn chỉ huy tung hoành diệt Nhật. Sau này Mao mượn cớ Diên An chỉnh huấn, triệu Bành từ Hoa Bắc vềv Hồng Đô, đấu nhau 50 ngày. Mao phê Bành quân phiệt, Bành cãi lại, giao cho tôi lãnh đạo bát lộ quân mà không đánh Nhật thì đánh ai, đồng chí mang danh chủ nghĩa Mac-Lê  mà chẳng hiểu gì cả.
            Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đầu hàng, từ Diên An, Mao Trạch Đông cử 10 vạn binh mã tràn sang vùng Đông bắc, dựa vào uy lực của Hồng quân Liên Xô mà chiếm lấy địa bàn 3 tỉnh này. Cầm quân ra đi có Trần Vân, Bành Chân, Cao Cương, Lâm Bưu, La Vinh Hoàn, Dương Thượng Côn. Diên An tự nhiên hụt hẫng, sau đó Hồ Tôn Nam với 20 vạn quân Quốc Dân Đảng tấn công chiếm Diên An, Bành Đức Hoài chỉ có trong tay 25 ngàn quân nhưng đã đánh bại tinh binh của Hồ, bảo vệ TW, bảo vệ Mao Trạch Đông. Ngày 1-10-1949, khi Mao Trạch Đông cùng Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai, Cao Cương bước lên thành lầu Thiên An Môn dự lễ “ Khai quốc đại diện” lập nền cộng hòa nhân dân thì Bành Đức Hoài và dã chiến quân Tây Bắc đang trên đường ăn gió nằm sương tiến vào Tân Cương. Năm 1950, Mao Trạch Đông lại cử Bành Đức Hoài cầm quân sang Triều Tiên thư hùng sống mái một phen. Hồi ấy Mao định giao nhiệm vụ này cho Lâm Bưu, nhưng Lâm thoái thác vì đang dưỡng bệnh, ngoài tiền tuyến địch quân càng áp sát, Mao mới nghĩ tới Bành đang trấn giữ ải Tân Cương và cho triệu hồi. Về tới Bắc Kinh, Bành không nói một lời nhận ngay nhiệm vụ Tổng tư lệnh chí nguyện quân, chỉ huy hàng triệu quân, 3 năm chiến đấu, cuối cùng với đại chiến dịch Thượng Cam Lĩnh, đánh cho quân Mỹ không thể không ngồi vào bàn đàm phán.
            Nguyên soái Bành Đức Hoài công dày đức trọng, tính tình nóng nảy, căm giận ác bá, tác phong chất phác, chịu khó, chịu khổ. Từ chiến trường Triều Tiên trở về, ông vào ở Vĩnh Phúc Đường trong Trung Nam Hải, đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông gai mắt trước cách sống đế vương xa hoa lãng phí của Mao, ông cũng không vừa lòng với Lưu Thiếu Kỳ phải cúi mình dưới Mao, càng khó chịu vì sự “ trung quân ái quốc” cuả Chu Ân Lai, thay Mao xây dựng cung thất, sửa bể bơi, chọn mỹ nhân nữ. Bành chỉ phục mỗi Trần Vân và Đặng Tiểu Bình, làm việc quả đoán, có chính kiến cá nhân rõ ràng. Ở Trung Nam Hải, mỗi lần họp Bộ Chính Trị, Bành Đức Hoài là người duy nhất dám phát biểu ý kiến bất đồng với Mao Trạch Đông. Mao là bí thư quân ủy TW, nhưng trong công tác thường nhật luôn luôn bị Bành Bộ trưởng chế ngự, vì vậy Mao ngày càng không chịu nổi vị nguyên soái này.
            Tại hộin nghị TW 6 tháng 11-1958, khi đề xuất từ bớt một chức Chủ tịch nước, Mao kèm theo điều kiện nâng Lâm Bưu đang tại gia chữa bệnh lên ủy viên BCT và ngồi ghế phó Chủ tịch Đảng. Lúc ấy khá nhiều người khá bất bình thay cho Bành lão, bởi vì xét các mặt lý lịch, chiến công, sức khỏe, uy tín, danh vọng…Lâm Bưu chưa đến lượt là phó chủ tịch Đảng, nhưng Mao sớm đưa ra vấn đề nhân sự này với Lưu, Chu, Chu, Trần, Đặng nên không ai nỡ làm Mao mất mặt, vả lại Lâm là nguyên soái bệnh nhân, chẳng qua đăng ký cái tên mà thôi. Mao Trạch Đông đã đi một nước cờ khá diệu kế để sau này thay thế Bành Đức Hoài.
            Khi đại nhảy vọt mới bắt đầu khởi sự, Bành lão cũng hơi “nóng đầu” hưởng ứng, nhưng sau đó ông đi khắp 60 địa khu thuộc 10 tỉnh để điều tra nghiên cứu và phát hiện thấy tình hình thực tế hoàn toàn khác hẳn với những gì Mao đã tán dương, lương thực không những không đủ ăn mà còn có nguy cơ chết đói, dân chúng mắc bệnh phù thũng. Vì vậy đầu năm 1959, trong một cuộc hội nghị mở rộng của BCT, trước mặt Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài đã phát biểu: “ Xin các đồng chí đừng cho tôi nói nặng lời, nóng nảy. Chính sách đại nhảy vọt đúng hay sai, tôi nói: sai”. Phát biểu của Bành lão khiến Mao xấu hổ vì bị châm chọc, hai người đấu khẩu một hồi rồi chia tay, bất phân thắng bại…
            Hôm nay tại “Hội thần tiên”, Bành Đức Hoài đã 7 lần đứng lên phát biểu ở tổ, mỗi lần đều phân tích trách nhiệm rõ ràng và chỉ đích danh Mao Trạch Đông. Bành nói “ Quần phải tự cởi, không nên nhờ người khác kéo. Giang Tây vừa nói năm ngoái tăng sản 67%, chẳng khác gì vừa cởi cái quần dài, còn mỗi cái quần lót, cởi nốt đi cho đỡ bị động” hoặc “ cuộc sống?, tất nhiên nhà nước cũng nên chú ý khu phong cảnh, hồ nhân tạo nhưng chầm chậm thôi, lãng phí quá, nhiều tỉnh đang đua nhau xây biệt thự cho đồng chí Mao Trạch Đông” hoặc “chúng ta đúc kết bài học kinh nghiệm, không nên oán hận ai cả, ai cũng có trách nhiệm kể cả đồng chí Mao Trạch Đông trong đó, trách nhiệm chính thuộc về Trung ương chứ không phải địa phương cơ sở”
            Những bài phát biểu đó của Bành Đức Hoài ngày ngày đều được Khang Sinh và Kha Khánh Thi “thêm mắm thêm muối” tấu trình lên Mao, nhưng Mao không hề tỏ thái độ gì. Nghe xong báo cáo, ông vẫn bình tĩnh đọc cổ thư, khiến Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức… đều phải im lặng không dám lên tiếng. Bình thường Mao thường phê mọi người không “dám sờ mông hổ”, nhưng hôm nay Bành đã sờ tới, lão hổ sẽ động tĩnh ra sao, chưa ai có thể đoán định được,
            “Hội thần tiên” lại tiếp tục, Bành Đức Hoài tiếp tục phát biểu, ông thay mặt cho 500 triệu nông dân mong muốn Mao và TW biết sai lầm và sửa chữa nó, cần áp dụng những biện pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn tai họa lớn hơn nữa, thậm chí là nạn đói trong cả nước. Bành Đức Hoài cho rằng chỉ nã pháo như mấy hôm nay chưa đủ, phải gặp Mao, trình bày trực diện với ông. Bành Đức Hoài nắm được thời gian biểu hàng ngày của Mao, đêm khuya thanh vắng trao đổi với nhau chắc dễ dàng tiếp thu hơn, nên đúng 1 giờ sáng ngày 12-7-1959, Bành lão một mình tìm đến biệt thự Mỹ Lư, cảnh vệ bồng súng chào và nhanh chóng báo cho thư ký trực ban, một lát sau người ta báo cáo lại, Mao chủ tịch phá lệ, vừa chợp mắt, mấy ngày hôm nay người khó ngủ. Bành Đức Hoài ngước nhìn lên lầu hai, đèn vẫn sáng, chứng tỏ Mao đang thức, nghe nói ông ta vừa vui vẻ với phục vụ viên trẻ tuổi. Mao tránh mặt không muốn gặp Bành, chắc sợ cãi nhau chăng.
            Không muốn gặp nhau thì ta viết thư vậy, Bành Đức Hoài long nặng bao ưu tư, không nói ra không chịu được, ông như bị thời gian thúc bách, vì ngày 15 thì hội nghị sẽ bế mạc, mọi người ai về nhà đó, vả lại văn phòng TW cũng đưa tin không kéo dài thời gian nữa. Bành Đức Hoài không hài lòng cái kiểu hội nghị nửa nạc nửa mỡ như thế náy, ông tự nhốt mình trong biệt thự đúng một ngày một đêm và cuối cùng gọi thư ký lên, ghi lại những gì ông nói rồi sửa chữa đôi chỗ thành một lá thư với chữ ký rõ ràng “ Bành Đức Hoài”. Thư ký khuyên can ông nên thôi, nhưng Bành lão không chịu, khi đó đã là ngày 13 rồi.
            Lá thư do nhân viên cơ yếu đưa đến biệt thự Mỹ Lư, Bành Đức Hoài chờ cả ngày 14 mà không thấy Mao động tĩnh gì. 10 ngày hôm nay Mao chỉ gặp mỗi một người là Hạ Tử Trân- người vợ trước của ông mà thôi. Ngày ngày Mao ngồi một mình ngoài ban công hút thuốc hoặc dạo bước trong vườn trúc phía sau, ông bồn chồn như hồi chiến tranh, chuẩn bị ra trận. Và cũng thật kỳ lạ, 10 hôm nay, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức chẳng ai đến Mỹ Lư bái kiến, mọi người cứ im lặng chờ đợi, chờ đợi một sự kiện lớn sắp bùng nổ. Không khí Lư Sơn đã đến lúc vô cùng ngạt thở, hoặc Mao Trạch Đông phải tự chịu tội, công nhận sai lầm, hoặc Bành Đức Hoài phải lên dàn lửa.
            Mao Trạch Đông ở Mỹ Lư ngày đêm suy tư, nhẽ nào đây là cái thòng lọng xiết đời ông, ai đã thiết kế để các lộ chư hầu tụ tập về Lư Sơn đấu tố ông, vạch tội 3 ngọn cờ hồng, niềm kiêu hãnh của ông, tất cả như một màn đen, mung lung vô hạn. Bành Đức Hoài vũ phu xung phong lâm trận, tất nhiên là đại diện nhất, còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai thì sao, chẳng phải Lưu đã nhấn mạnh “ nói đủ thành tích, nói hết vấn đề”, vế đầu là cái màn che, vế sau mới là thực chất. Lưu Thiếu Kỳ ngươi giỏi lắm, nhưng lần này chỉ mỗi Bành Đức Hoài sa lưới. Cần phải tránh mọi đấu tranh dẫn đến phân liệt, cải tổ TW, vì vậy Lưu Thiếu Kỳ sẽ thắng. Mao đắn đo cả ngày 14 là vì thế. Cuối cùng ông phê lên một tờ giấy với dòng chữ “ Bản ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài, in phát cho các đồng chí tham khảo” kèm vào lá thư Bành gửi hôm 13.
            Mao chúa ghét người nào tấu thư cho ông mà nói tới chính sự. Năm 1955, Hồ Phong gửi cho Mao một lá thư 20 vạn chữ, kết quả đã rõ liền bị hạ bệ. Còn hôm nay chiến hữu lại gửi thư, phản đối 3 ngọn cờ hồng, đây là những hoạt động chống Đảng, phải nghiêm trị.
             

                                                         (Còn nữa)

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-7

7. TINH THẦN HẢI THỤY
            Mùa xuân năm 1959, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ hợp tác với nhau trong công việc sửa sai tả khuynh, phải nói là khá ăn ý. Thượng tuần tháng 4, kỳ họp thứ 1 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 2 được tiến hành ở Bắc Kinh. Tại kỳ họp này, Mao Trạch Đông từ bớt một chức là Chủ tịch nước và theo đề nghị của Hội nghị Trung ương 6 khóa 8, Đại hội đã bầu Lưu Thiếu Kỳ đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc xác lập hai chủ tịch, một bên Đảng, một bên nhà nước. Mao, chủ tịch Đảng kiêm Quân ủy Trung ương; Lưu, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, kể từ đó trên báo chí, trong công sở bắt đầu đầu đặt song song ảnh của hai vị Mao, Lưu.
            Lưu Thiếu Kỳ bước lên tầm cao mới, tuy rất phấn khởi nhưng ông cũng tự biết rằng mình không thể bằng vai vế với Mao, vẫn phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, cẩn thận tấu trình. Kỳ họp kết thúc, hạ tầng tháng 4, Mao đi Thượng Hải chủ trì hội nghị công tác Trung ương, những người đứng đầu các bộ, ngành, bí thư thứ nhất các tỉnh, thành và khu tự trị đều được triệu tập tham dự. Theo thường lệ, ngày họp, đêm xem kịch hoặc khiêu vũ. Vào một tối nọ, Chu Tiểu Nhân-bí thư tỉnh Hồ Nam, quê hương Mao-mời Mao đi xem vở “Thanh quan Hải Thụy”. Xem xong vở tương kịch (ca kịch của địa phương Hồ Nam) này, Mao rất thích, ông bước lên sân khấu bắt tay chúc mừng và cảm ơn các diễn viên, đoạn mời nữ diễn viên chính đến nơi Mao ở để khiêu vũ và ăn bữa khuya. Ngày hôm sau, Mao cho người đi tìm cuốn “Minh sử” để ông nghiên cứu về nhân vật Hải Thụy. Tại hội nghị Trung ương, Mao ca ngợi Hải Thụy chí công vô tư và kêu gọi toàn Đảng học tập tinh thần Hải Thụy dám đấu tranh trước triều đình, thẳng thắn can gián thượng cấp. Mao Trạch Đông yêu cầu cán bộ Đảng đều phải thực hiện “5 điều không sợ”, không sợ bị khai trừ Đảng tịch, không sợ bị mất chức bị kiểm tra, không sợ ly hôn với vợ, không sợ ngồi tù, không sợ bị chặt đầu, nghĩa là dám xả thân, dám kéo “hoàng đế hạ mã”. Khi trình bày những vẫn đề này, nét mặt Mao hớn hở, nụ cười tươi vui khiến mọi người tin tưởng độ này Mao Chủ tịch thật tự do dân chủ!      
Hội nghị thượng Hải bế mạc, Mao cùng đoàn người của văn phòng Mao Chủ tịch mã hồi Bắc Kinh. Chủ nhiệm văn phòng là Hồ Kiều Mộc theo ý chỉ của Mao thân hành đến gặp chuyên gia Minh sử, giáo sư Ngô Hàm, phó thị trưởng Bắc Kinh. Hồ Kiều Mộc cho Ngô Hàm biết chỉ thị của Mao hiệu triệu toàn Đảng học tập Hải Thụy và yêu cầu viết một bài về sự tích Hải Thụy đăng lên “ Nhân dân nhật báo”. Nhận lãnh nhiệm vụ, giáo sư Ngô Hàm cho đăng 2 bài “ Hải Thụy thượng sớ”( dâng sớ) và “ Hải Thụy bãi quan”, được bạn đọc “ Nhân dân nhật báo” hoan nghênh nhiệt liệt. Mùa hè năm ấy, Mã Liên Lương, nhà biểu diễn nghệ thuật trứ danh của viện kinh kịch Bắc kinh khẩn thiết mời Ngô Hàm viết cho viết ông một kịch bản nói về Hải Thụy. Ngô Hàm xưa nay chưa hề sáng tác kịch bản, nhưng vì Mã Liên Lương, người đứng đầu giới kinh kịch đã yêu cầu, vả lại Mao chủ tịch vừa chỉ thị toàn Đảng học tập Hải Thụy nên ông mạnh dạn nhận lời viết thử. Quả nhiên nhà sử học ngây thơ phải cặm cụi năm lần bảy lượt mới ra được vở kịch lịch sử biên soạn lại, tựa là “ Hải Thụy bãi quan”, đầu năm 1960 đăng trên nguyệt san “ Văn nghệ Bắc Kinh”. Sau đó viên kinh kịch Bắc Kinh dàn dựng vở kịch, Mã Liên Lương thủ vai Hải Thụy, liên tục 2 tháng trời không lúc nào thừa chỗ, khán giả vỗ tay như sấm dậy. Mao Trạch Đông cũng tới xem và hết sức tán dương, còn mời Mã Liên Lương về Trung Nam Hải ăn cơm, khen ông diễn một vở kịch hay, làm việc tốt cho nhân dân. Mã Liên Lương phấn khởi vô cùng, nửa đêm gõ cửa nhà Ngô Hàm báo tin vui, Ngô Hàm hân hoan lạ thường. Nhưng có ai ngờ khi bắt đầu cách mạng văn hóa, để loại bỏ Lưu Thiếu Kỳ và phái hệ của ông, Mao Trạch Đông đã dùng vở kịch lịch sử biên soạn lại “ Hải Thụy bãi quan” như một con dao lợi hại, khiến tác giả nhà nghiên cứu Minh sử Ngô Hàm và ngôi sao trên bầu trời kinh kịch Trung Quốc, người thủ vai Hải Thụy đã phải chết  một cách thảm khốc. Đó là câu chuyện hồi sau của thiên tư liệu này mà chúng tôi sẽ kể tiếp.
                                                (Còn nữa)

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-6

6. ĐẠI NHẢY VỌT, ĐẠI THẤT BẠI
Có thể nói rằng, phong trào chống hữu phái là đường lối đại nhảy vọt chính trị thống nhất hiệu lệnh của Mao Trạch Đông. Từ mùa thu năm 1957, bất kỳ ở hội nghị nào của ĐCS, Mao đều công khai chỉ trích Chu Ân Lai, người đề ra khẩu hiệu: “Chống tả khuynh mạo hiểm”. Mao nói, đồng chí hô hào khẩu hiệu này chỉ cách bọn hữu phái có 50 m nữa thôi. Phê phán Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông thực chất muốn ám chỉ nhân vật số 2- Lưu Thiếu Kỳ. Sang đầu năm 1958, mức độ đấu tranh chống Chu Ân Lai thật gay gắt. Tại hội nghị Nam Ninh tháng giêng, hội nghị Vũ Xương tháng 2, hội nghị Thành Đô tháng 3, rồi hội nghị Trịnh Châu, hội nghị Bắc Đới Hà vào mùa hè, trước mặt toàn thể ủy viên TW, trước mặt đầy đủ các bí thư tỉnh ủy, thành phố, khu tự trị, Mao Trạch Đông đều chỉ mặt gọi tên người đã đề xướng khẩu hiệu : “Chống tả khuynh mạo hiểm”, là mất lập trường, là rất gần hữu phái, chỉ 50m nữa thôi, dụng ý của Mao là bức Chu Ân Lai phải từ chức Thủ tướng quốc vụ viện. Chu đã viết và đọc hơn 20 bản kiểm điểm, nhưng không hề đệ đơn từ chức bao giờ. Chu Ân Lai nhận lỗi là cũng vì Lưu, nhưng Mao chưa đả động gì đến Lưu, khiến Lưu đành phụ họa phê Chu, Chu thật đau lòng. Và họ đã trúng diệu kế của Mao, liên minh Lưu-Chu bị tan rã ngay từ lúc mới manh nha.
            Song song với những hoạt động phê phán sai lầm hữu khuynh của Chu Ân Lai, Trần Vân, Mao cuồng nhiệt dấy lên phong trào giương cao 3 ngọn cờ hồng “ đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân” và phát động một loạt phong trào hại dân, hại nước chưa từng thấy trong lịch sử, điển hình là “đại nhảy vọt kinh tế năm 1958” “toàn dân xây dựng công xã nhân dân, xây dựng nhà ăn công cộng” “toàn dân luyện gang thép”. Tiếc thay trong TƯ không ai dám đứng ra can gián Mao, giúp ông điều chỉnh bớt sự ngông cuồng đó. Ngày 4-8-1958, Mao thân hành về huyện Hà Thủy tỉnh Hà Bắc dự lễ ra quân xây dựng thí điểm mô hình chủ nghĩa cộng sản. Khi nghe bí thư huyện ủy là Trương Quốc Trung báo cáo láo sản lượng tiểu mạch hai vạn cân mỗi mẫu, khoai tây một triệu cân, lợn thịt một ngàn cân một đầu, Mao Trạch Đông khen Trương quả xứng đáng con cháu Trung Hoa, ông tươi cười hỏi mọi người, bà con sản xuất ra nhiều lúa gạo, khoai sắn lợn gà như vậy ăn sao hết, nếu ăn không hết thì phải làm gì. Phải xây dựng công xã nhân dân. Mao khẳng định và chỉ thị cho cả nước học tập Từ Thủy, làm như Từ Thủy, tiến tới toàn quốc sẽ ăn cơm miễn phí. Mao hiệu triệu toàn Đảng ra tay, toàn dân xung trận, cả nước luyện gang thép, 15 năm nữa sẽ vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, ông yêu cầu mỗi tỉnh chế tạo 200 máy bay, mỗi xã có ít nhất 2 chiếc, thực hiện giao thông hiện đại và toàn Trung Quốc sẽ là một đại công xã.
            Hạ tuần tháng 5-1958, nguyên soái Lâm Bưu được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính Trị, giữ chức phó Chủ tịch Đảng, đây là bước chuẩn bị của Mao nhằm thay thế Bành Đức Hoài, người công dày đức trọng và đang ở vị trí Bộ Trưởng BQP. Tại hội nghị TW 5 hồi ấy, Chu vẫn tiếp tục bị kiểm thảo phê bình. Lưu mới chỉ nói gần nói xa, nào thực sự cầu thị, nào tránh tự cao, tự đại, mà không nên nóng vội… mà chưa hề chọc thẳng vào “lô cốt” của Mao. Tháng 9, Lưu Thiếu Kỳ về Từ Thủy nắm tình hình, chao ôi, mới hơn 30 ngày mà những gì Lưu nghe Mao nói về điển hình CNXH ở đây đều hoàn toàn đổi thay, đào đâu ra tiền cho mô hình này, kế hoạch 11 trường đại học, 84 học viện hồng chuyên và 1348 nhà máy của Từ Thủy nhanh chóng bị đẻ non, có chăng để lại là sự lãng phí như núi, như sông. Lưu Thiếu Kỳ không thể không phê phán “ Dự thảo quy hoạch tiến lên chủ nghĩa cộng sản” và đề nghị xét lại mô hình Từ Thủy. Kề cũng cả gan, nhưng ông dám đối đầu với Mao vì thực tế nhãn tiền rất có sức thuyết phục, 18 chuyên gia do Mao phái về Từ Thủy xây dựng mô hình chủ nghĩa cộng sản cuối cùng phải nói thật tình hình như Lưu Thiếu Kỳ đã nắm, vì vậy Mao im lặng không chỉ trích Lưu, đồng ý “dẹp” chủ nghĩa cộng sản ở Từ Thủy và giao TW cùng tỉnh ủy Hà Bắc thu dọn hậu quả chiến trường.
            Sự phá sản của mô hình chủ nghĩa cộng sản thí điểm ở huyện Từ Thủy vẫn chưa làm Mao tỉnh ngộ, Ông tiếp tục tuần thú 4 phương, đi đâu cũng hô hào đại nhảy vọt, công xã nhân dân, nhà ăn công cộng, toàn dân luyện gang thép, Mao đề ra chỉ tiêu 700 triệu người, 700 triệu tấn. Gang thép từ đâu ra? Mao trả lời, từ bàn tay của nam phụ lão ấu, dỡ nhà xây lò, đập xoong nồi làm nguyên liệu, phong trào hừng hực khắp đất Thần Châu. Trong lúc Mao Trạch Đông cuồng nhiệt với 3 ngọn cờ hồng thì Chu Ân Lai và Trần Vân vẫn “chăm chỉ” viết kiểm thảo, còn Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, chưa bị Mao khiển trách cũng chỉ dám lí luận chung chung, cần thế này, nên thế kia. Riêng Bành Đức Hoài và Trương Văn Thiên hoàn toàn bàng quan, lạnh nhạt. Người ta ngạc nhiên vì sao một mình Mao lại tung hoành ngang dọc như vậy, chỗ dựa của ông là gì? Có lẽ thứ nhất là lòng tôi trung cuả thần dân đối với hoàng thượng. Thứ hai, Mao nắm một hệ thống bảo vệ chính trị có quyền sinh quyền sát của ĐCS. Càng diệu kế hơn là khi đã cảm nhận được ba ngọn cờ hồng của mình đang và sẽ gây tai họa muôn dân, tại hội nghị Trung ương tháng 11-1958, Mao khôn ngoan chia công tác Đảng thành tuyến 1, tuyến 2. Tuyến 1 giao cho Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, phần mình nhận tuyến 2, chuyên công tác nghiên cứu lý luận Mac-Lê, Mao đề xuất từ bớt chức vụ chủ tịch nước, giao lại cho ai, ông chẳng chỉ định mà cũng không đề cử. Ý của Mao muốn Chu Ân Lai ngồi vào cái ghế hữu danh vô thực này, rút lui chức vụ thủ tướng quốc vụ viện, nhưng ông chỉ tạo hỏa mù mà thôi. Mọi người trên Trung ương thở phào nhẹ nhõm, thâm chí ai đó còn cho rằng cần chúc mừng hạnh phúc, từ nay chúng ta tôn vinh người là hoàng thưởng, để người vui vầy với đám mỹ nữ, giai nhân, an hưởng tuổi già, thế chẳng phải là phúc đức cho xã tắc hay sao. Mao Trạch Đông không làm chủ tịch nước nữa, vậy trung ương phải đề cử nười kế nhiệm, để đến khóa sau của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc giơ tay biểu quyết thông qua. Thoạt đầu không ai hó hé, kể ra Chu Đức, Chu Ân Lai, Trần Vân đều đủ tư cách, nhưng cả ba cứ im lặng chẳng tỏ thái độ gì, cuối cùng với danh nghĩa Tổng Bí thư Ban Bí thư, Đặng Tiểu Bình phát biểu, chủ tịch nước, tôi xin đề cử một người-Lưu Thiếu Kỳ. Danh tính Lưu Thiếu Kỳ vừa xướng tên, ai cũng cảm thấy phù hợp luân lý của Đảng, từ năm 1945 đến nay ông luôn là nhân vật số 2 của ĐCS, nay ra đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước là phải đạo lắm rồi.
            Đầu năm 1959, “tổ điều tra nghiên cứu” do Mao Trạch Đông cử về các địa phương công tác đều thu thập và báo cáo lên ông những tin tức rất xấu xung quanh cuộc đại nhảy vọt, bốc đồng, giả tạo, kinh tế quốc dân bị tổn thất nghiêm trọng, có nơi bắt đầu đói kém, chết người. Mới chỉ 4 tháng thôi,trước đẩy ở Từ Thủy (Hà Bắc), Tân Hương (Hà Nam), Lịch Thành (Sơn Đông), những nơi mà Mao đến thị sát, đâu đâu ông cũng nghe “tiểu mạch hai vạn cân một mẫu, khoai tây đến đến cả triệu cân”, Mao còn lo sản xuất nhiều đến thế, ăn không hết thì làm sao. Nhưng hiện nay, chẳng những không thừa mà còn thiếu hụt, tất cả chỉ tại cái tật nói láo.
            Từ ngày về Bắc Kinh, Mao thành lập một cơ quan rất đặc biệt gọi là “Văn phòng Mao Chủ tịch” (gọi tắt theo tiếng Trung Quốc-“Mao biện”) bao gồm đủ loại thư ký: chính trị, quân sự, ngoại giao, công nghiệp, nông nghiệp,tài chính, văn giáo, cảnh vệ, cơ yếu, sinh hoạt. Dưới các vị đại thư ký này, mỗi ngành còn có cơ man là tiểu thư ký, Mao cử những thư ký của văn phòng mình dự thính, ghi biên bản  lại tất cả các cuộc hội nghị Bộ Chính trị, Văn phòng Thủ tướng, qua đó Mao thò tay và khống chế Ban Bí thư cũng như Quốc vụ viện, hình thành một “nội các nhỏ của thái thượng hoàng” trùm lên cơ quan trung ương và chính phủ, thực sự là hạt nhân quyền lực và hệ thống siêu đặc vụ. mao không tin các báo cáo của Ban Bí thư do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình phụ trách, và của Quốc vụ viện bên Chu Ân Lai và Trần Vân, vì vậy mới cử người mình, “Mao biện” đi điều tra tình hình, nắm “tư liệu số 1”.
            Mao Trạch Đông cũng không phải hoàn toàn nghe “tư liệu số 1” do tay chân của mình cung cấp, mà còn vặn vẹo, tra hỏi để xác tín và xử lý. Năm 1958, lúc tranh luận về đập nước Tam Hiệp xây dựng trên sống Trường Giang, nghe xong Lý Nhuệ-thư ký công nghiệp báo cáo tình hình, Mao liền phán “việc này chưa gấp, tiếp tục điều nghiên!”. Đến năm 1962, Mao cử Điền Gia Anh-thư ký chính trị đi An Huy điều tra vấn đề “khoán hộ”. Điền về báo cáo, Mao gắt um lên, phủ nhận “khoán hộ”, ông cho rằng đây không phải là biện pháp tự cứu đói mà là làm ăn cá thể, phục hồi hữu khuynh, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Mao Trạch Đông hòai nghi Điền Gia Anh nghe lời Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình về “bức” ông, hòng thủ tiêu công xã nhân dân, cho nông dân trở lại trạng thái riêng lẻ ngày xưa.
            Mùa xuân năm 1959, tin tức do “Mao biện” dồn dập vào Trung Nam Hải, Mao có phần giảm cơn sốt, không nghe ông nhắc tới 700 triệu tấn gang thép, 350 triệu cân lương thực, cũng như giấc mộng 15 năm rượt Anh, đuổi kịp Mỹ nữa, mà đã bắt đầu xuất hiện những từ “thực sự cầu thị”, “thực tế”... Mao Trạch Đông đề nghị Lưu Thiếu Kỳ lấy danh nghĩa Trung ương gửi cho toàn Đảng một văn kiện nhằm làm dịu tình hình, bình tĩnh sửa chữa những sai lệch trong công tác kể từ ngày có đại nhảy vọt và công xã nhân dân tới nay. Lưu Thiếu Kỳ biết rõ bản tính của Mao là đa nghi, phản thùng, nói một đường làm một nẻo. Nếu Trung ương ra văn kiện sửa sai tả khuynh như Mao đề nghị, nhưng bỗng ông không thừa nhận, thâm chí lật lọng thì biết làm sao. Đã có nhiều trường hợp khiến Lưu phải rùng mình và không thể không cảnh giác lúc này, tỷ như vấn đề Cao Cương, hợp tác hóa nông nghiệp, nguyên tắc lãnh đạo tập thể mà Đại hội 8 đã quy định, bài xã luận đầu năm 1957, hô hào trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng, đua tranh xong quay lại chụp mũ... nói thay đổi là thay đổi, tiền hậu bất nhất, đến như Chu Ân Lai là người biết rào trước đón sau mà cũng không trụ nổi với Mao.
            Có lẽ đây là lần xử lý tài tình của Lưu Thiếu Kỳ, thể hiện trí tuệ trị quốc của ông. Biết tính Mao háo công và không ưa nghe sự thật, Lưu đề nghị: Tình thế cả nước hiện đã chuyển biến tốt, nếu giả sử có vấn đề thì chẳng qua “mười ngón tay, chín dài một ngắn”mà thôi, nếu lấy danh nghĩa Trung ương phát văn bản sợ làm cho cấp dưới hiểu lầm, kinh tế quốc dân đang đang xảy ra đại loạn chăng, hay Chủ tịch với cương vị của mình gửi thư chỉ thị cho tất cả các đồng chí trong Đảng, nhấn mạnh sửa chữa sai lệch tả khuynh, đề xướng thực sự cầu thị, báo cáo chính xác, không khoa trương, khoác lác... Kiến nghị của Lưu làm Mao hài lòng, chẳng phải lấy danh nghĩa Chủ tịch mà gửi thư thì càng chứng tỏ sự anh minh của ta hay sao, càng củng cố uy tín, củng cố địa vị lãnh tụ tối cao chứ có ảnh hưởng xấu gì đâu. Mao Trạch Đông liền cử Điền Gia Anh và nhóm “tú tài” của ông dự thảo bức thư nội bộ Đảng, hãy giảm sốt cho đại nhảy vọt, cho ba ngọn cờ hồng. Trong thư, Mao yêu cầu toàn Đảng phải kiên trì tác phong nói đúng sự thật, làm thế nào, báo cáo thế ấy, ví dụ sản lượng năm ngoái 300cân, năm nay nâng lên 400 là khá lắm rồi, còn nhà ăn công cộng thì cần tiết kiệm lương thực, mùa màng bận rộn có thể ăn cơm, lúc nông nhàn rảnh rỗi phải ăn cháo...

            Người đời bình luận, Lưu quả là cao thủ! Đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân ba ngọn cờ hồng, cộng thêm luyện gang thép, xây dựng nhà ăn công cộng... tất cả đều là sản phẩm của Mao, sáng tạo trong lúc đầu óc ông cuồng nhiệt nhất, một thời khiến ông rực rỡ, không ai dám can gián ông hãy hạ cơn sốt, nay xảy ra vấn đề, sao lại đổ trách nhiệm cho Trung ương, buộc Trung ương kêu gọi sửa sai. Gieo gió thì phải gặt bão chứ, mấy bận họp Trung ương chẳng phải ông từng tuyên truyền sản lượng hàng vạn, hàng triệu, dư ăn biết làm sao, mà nay “bỗng dưng” hạ xuống, chỉ là chục, là trăm, không đủ ăn và bắt đầu chết đói, cho nên để ông tự viết thư cho toàn Đảng, chỉ thị hay nói đúng hơn là cầu khẩn sửa sai, có như vậy mới đáng là “gậy ông đập lưng ông”, kể ra Lưu Thiếu Kỳ cũng khá thâm thúy!
                                       ( Còn nữa)

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-5

5. HỢP ĐỒNG
            Năm 1954, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai đã từng đạt tới một “hợp đồng”, bắt tay nhau trừ gọn vị tướng yêu của Mao Trạch Đông là Cao Cương. Lúc bấy giờ Trung Quốc đang chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 1, đại hội Đảng lần thứ 8, đây là những ngày tháng rất nhạy cảm mà cả nước đang trông chờ một cuộc phân phối quyền lực, có thể nói là rất quan trọng kể từ năm 1949, năm thành lập nền cộng hòa nhân dân. Cao Cương, hay còn gọi là “Vua Đông Bắc”, được Mao bật đè xanh tìm cách chống lại Chu Ân Lai, nếu thành công thì theo lời hứa Cao sẽ thay Chu nhận lãnh chức vụ thủ tướng, còn Chu như một “bình hoa”làm Chủ tịch mặt trận đoàn kết toàn dân.
            Cao Cương là người sáng lập khu căn cứ Thiểm Bắc, “đồng tác giả” với ông còn có Lưu Chí Đan, người đã hy sinh trong những năm kháng chiến chống Nhật. Mùa thu năm 1935, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông, Chu Đức lãnh đạo hồng quân thực hiện cuộc vạn lý trường chinh, cuối cùng đến Thiểm Bắc thì dừng lại và đứng chân vững vàng. Thời ấy ở Diên An người ta đồn đại một luận điểm “Thiểm Bắc cứu Trung ương”. Cao Cương hô hào “Quân đảng luận” vì theo Cao, ĐCS Trung Quốc có lực lượng vũ trang Hồng quân nên mới phát triển lớn mạnh và Mao Trạch Đông đã nêu lên nguyên lý trứ danh “họng súng đẻ ra chính quyền”. Lưu Thiếu Kỳ, người đại diện cho mặt trận hoạt động bí mật và phong trào công nhân ở các khu trắng, tất nhiên không thể tán thành “quân đảng luận” của Cao, một quan điểm làm đảo lộn quan hệ giữa Đảng và quân đội. Với khẩu hiệu “lấy súng chỉ huy Đảng”, Cao đã vi phạm nguyên tắc “Đảng chỉ huy súng”, Thực chất của “quân đảng luận” là chống lại Lưu Thiếu Kỳ. Vì vậy lúc Cao Cương thách thức Chu Ân Lai thì Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình đều đứng về phía Chu Ân Lai. Cao Cương cũng không biết lượng sức mình, trong một lần hội nghị Bộ Chính trị, luận điểm sai lầm của ông đã bị các đồng chí phê bình kịch liệt, Cao ngang nhiên rút súng định tự sát. Hành động hung hãn ấy càng khiến mọi người bất bình, đại đa số ủy viên Bộ Chính trị đã bất chấp cả “ý   chí” của Mao, kiến quyết xử lý Cao. Mao Trạch Đông vô kế khả thi, đành buông tay bỏ cuộc, lấy cớ dưỡng bệnh về miền Nam trú đông, không tham dự hội nghị toàn thể Trung ương kỷ luật “Liên minh chống Đảng Cao Cương-Nhiêu Thấu Thạch”. Lưu Thiếu Kỳ chủ trì hội nghị, Đặng Tiểu Bình, tổ trưởng chuyên án, đọc báo cáo về sai lầm của Cao-Nhiêu và quyết định khai trừ Đảng tịch hai người, giao cho luật pháp hành tội. Cao Cương vào nhà đá, cuối cùng đã tự sát.
            Sau vụ Cao-Nhiêu, cả Lưu Thiếu Kỳ lẫn Chu Ân Lai đều củng cố được thế lực của mình. Lưu Thiếu Kỳ đưa tướng tài, từng một thời dưới quyền ở Cục Hoa Bắc là An Tử Văn thay thế Nhiêu Thấu Thạch đảm nhận chức vụ Trưởng ban tổ chức Trung ương, nắm quyền lớn về nhân sự trong toàn Đảng. Còn Chu Ân Lai điều Trần Nghị-Thị trưởng Thưởng Hải-lên Bắc Kinh làm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng, thực sự trở thành cánh tay đắc lực cho Chu ở Trung Nam Hải.
            Tháng 9-1945, tại Đại hội đải biểu nhân dân toàn quốc khóa 1, Mao Trạch Đông được bầu là CHủ tịch nước, Chu Đức-Phó Chủ tịch nước, Lưu Thiếu Kỳ ủy viên trưởng (chủ tịch quốc hội), Chu Ân Lai vẫn là Thủ tướng nhưng kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch mặt trận. Thanh thế Lưu Thiếu Kỳ ngày một nâng cao, ngoài chủ trì công tác thường nhật của Trung ương nay ông phải đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao, lại kiêm nhiệm cả mặt trận nông nghiệp. Từ năm 1955, Mao Trạch Đông vội vàng cưỡng chế thúc đẩy phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa ở thành phố cũng như nông thôn, ông quyết tâm tiêu diệt kinh tế cá thể ở bất kỳ một hộ nông dân nào và thu hồi quyền sở hữu đất đai của họ, thành lập hợp tác xã cao cấp nửa xã hội chủ nghĩa, công việc này giao cho Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tử Khôi thực hiện. Lưu và Đặng đầu óc tỉnh táo hơn, họ cho rằng tập thể hóa, sản xuất lớn, ăn chung nồi thì tình hình nông thôn nhất định sẽ hỗn loạn, vì vậy hai người chủ trương “hãm xe” đội nước lạnh lên phong trào, giải tán 20 vạn hợp tác xã nông nghiệp. Chắc chắn Lưu Thiếu Kỳ phải báo cáo tình hình này với Mao Trạch Đông mới dám hành động như vậy. Một năm sau tại đại hội Đảng, cụm từ “tư tưởng Mao Trạch Đông” bị đưa ra khỏi điều lệ. Mao bắt đầu bất mãn với Lưu, lúc nào có hội nghị ông đều chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tử Khôi là loại “đàn bà bó chân” trên mặt trận nông nghiệp, hữu khuynh hủy bỏ 20 vạn nông nghiệp xã.
            Ở thành phố, Mao giao nhiệm vụ cho Chu Ân Lai và Trần Vân phụ trách phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa, Chu chấp hành lệnh Mao rất nghiêm chỉnh, quốc hữu hóa tất cả nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ, hiệu buôn, cửa hàng... của tư sản vào “công tư hợp doanh”, sau một đêm, tư doanh biến thành công doanh, nhà tư bản biến thành công nhân. Bao nhiêu thành phố, thị trấn căng đèn kết hoa, cờ dong trống mở chúc mừng cải tạo xã hội hcur nghĩa thành công tốt đẹp. Chu lập công lớn với Mao, nhưng vẫn không làm cho Mao thay đổi lòng nghi ngờ Chu.
            Thời gian năm 1956, ngoài giải tán các nông nghiệp xã, Lưu Thiều Kỳ còn làm hai việc khiến Mao nổi giận. Thứ nhất, sửa đổi điều lệ Đảng, hủy bỏ câu “lấy tư tưởng Mao Trạch Đong làm tư tưởng chỉ đạo trong toàn Đảng”. Khi thảo luận vẫn đề này, đại đa số tán thành. Chu Đức, Trần Vân phát biểu: Có thể nghiên cứu. Chu Ân Lai im lặng. Mấu chốt vẫn là Lưu Thiếu Kỳ, ông nói, đầu tiên cũng do ông đề xuất “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông” và đưa vào điều lệ, nhưng nay cần nhấn mạnh lãnh đạo tập thể, chống sùng bái cá nhân, nên ông phải tôn trọng ý kiến đa số. Mùa thu năm 1956, Chu Ân Lai và Trần Vân dẫn đầu đoàn đại biểu sanh Liên Xô và học tập kinh nghiệm. Trở về nước, Chu, Trần báo cáo kết quả chuyến đi trước hội nghị Bộ Chính trị do lưu Thiếu Kỳ chủ trì. Sau đó, “Nhân dân nhật báo” số ra ngày 1-1-1957 đăng bài xã luận nhấn mạnh chống tả khuynh, chống mạo hiểm. Bài xã luận này cũng do Lưu Thiếu Kỳ phê duyệt, nhưng điều làm cho Mao bực dọc là dựa trên tinh thần của hội nghị Bộ Chính trị, Lưu-Chu đã hợp tác rất ăn ý nhằm đề phòng bầu không khí cuồng nhiệt mà phong trào “Đại nhảy vọt”-tác phẩm do Mao sáng tác-gây nên, hạn chế hậu quả của tả khuynh và mạo hiểm.

            “Liên minh” Lưu-Chu, liên minh giữa hai con người, một bên là nhà thực dụng, một bên là nhà trị quốc khiến Mao không hào hứng, bởi nó đã phá đi cái thế “ngọa sơn quan hổ đấu” của ông, Mao muốn hai người lục đục để ông phán xử, nâng cao ủy phong của mìn. Nhưng nay, Lưu-Chu đã hợp tác vào buộc Mao phải suy nghĩ lại thế cờ. Sau đó, một phong trào chống hữu khuynh ập xuống đất Thần Châu, Mao Trạch Đông phản công. Ấy là vào mùa hè năm 1957 đáng nhớ.
                                                 ( Còn nữa)

LƯU THIẾU KỲ & ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-4

4. GIA PHONG PHONG TRẠCH VIÊN
            Từ năm 1949 đến trước cách mạng Văn hóa 1966, Mao Trạch Đông đã khá thành công trong việc hình thành một “không khí gia đình” hay còn gọi là “phong cách đại gia trưởng” ở Trung Nam Hải. Mao quen với nơi ở của mình – Cúc Hương The thất trong Trung Nam Hải, sau mỗi lần hội nghị thường vụ Bộ Chính trị, Mao thường mời các ủy viên ở lại đây dùng cơm. Ban thường vụ bao gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và tổng bí thư, ấy là Mao, Lưu, Chu, Trần, Đặng (1) (năm 1958 thâm Lâm Bưu, năm 1960 mở rộng cả Bành Đức Hoài cũng tham dự). Như vậy, dù trong hội nghị có điều gì tranh luận, phần kỳ chưa nhất trí thì đến bữa ăn mọi người vẫn phải nâng ly chúc rượu nhau, nói nói cười cười  vui vẻ và nhiều lúc vấn đề vì thế mà được giải quyết. Những vấn đề phiền muộn của gia đình riêng, thể như Giang Thanh làm nũng khóc lóc, người vợ trước Hà Tử Trân đột ngột từ Nga trở về, con trai hy sinh ở mặt trận Triều Tiên, con dâu đi bước nữa, Mao Ngạn Thanh mắc bệnh thần kinh nhưng vẫn đòi lấy vợ... Mao Trạch Đông thường nhờ các bạn đồng sự trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị tham gia ý kiến hay nói đúng hơn là giúp đỡ giải quyết. Việc nhà của Mao đã trở thành quốc gia địa sự và “Trung ương ngũ lão”, năm vị cao niên nhất là Đổng Tất Vũ, Từ Đặc Lập, Tạ Giác Tai, Lâm Bá Cừ thường được mời tham gia hội đồng hòa giải rất hữu hiệu, và cũng thường kết thúc với một bữa cơm đoàn tụ đông vui chủ khách.
            Tổ chức “gia yến” như vậy để chiêu đãi các vị ủy viên Bộ Chính trị là “sáng kiến” chứng tỏ quyền lực tối thượng của Mao ở Trung Nam Hải, nói theo ngôn ngữ vua tôi là “tư yến”, người dự tiệc cảm thấy vinh dự như được bề trên ban thưởng ân sủng vậy. Vả lại cũng chưa từng nghe Lưu Thiếu Kỳ ở Phúc Lộc Cư, Chu Đức ở Hải Yến Đường hay Chu Ân Lai ở Tây Hoa Sảnh mời cơm Mao Trạch Đông bao giờ, nói chi tới Trần Vân, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân càng không đủ tư cách mở “gia yến”.
            Nếu luận về cuộc sống gia đình của các vị lãnh đạo cấp cao thì Mao thuộc loại “bất hòa”, Hạ Tử Trần từ Nga về nước, nhưng bà không được phép cư trú ở Bắc Kinh, quan hệ giữa Mao và người vợ trước này bị gián đoạn, cách chia, lại thêm bà vợ bé Giang Thanh luôn luôn nhiễu sự, tranh cãi, làm nũng, khóc lóc, khiến Mao phiền muộn, trong nhà thường ồn ào. Mao Trạch Đông ngán ngẩm Giang Thanh nên cuối năm 1953 ông dứt khoát ly thân với bà, ông cho Giang Thanh ra ở riêng tại “Tĩnh Viên” phía Tây bắc nằm ngoài Phong Trạch Viên. “Tĩnh viên” là nơi trước đây Từ Hy Thái Hậu thường giam cầm hoàng thượng Quang Tự, người đàn bà thép này của Trung Hoa đã cho hai sủng phi cùng vui vầy với ông vui trẻ. “Tĩnh viên” có núi giả rừng cây, hoa lá muôn màu, nhưng vẫn không vơi đi nỗi cô tịch trong lòng Giang Thanh, bởi bà bị thất sủng, bởi Mao đã nói những lời độc địa, rằng cả đời tôi, tôi chẳng thèm ngó đến người đàn bà ấy nữa và bởi Mao đề xuất với Bộ Chính trị xin ly hôn với Giang Thanh. Nhưng vì sự việc có liên quan tới hình tượng của lãnh tụ, nên Bộ Chính trị đã không chấp thuận để Mao bỏ vợ. Chu Ân Lai là người đứng ra hòa giải mối quan hệ Mao-Giang, nhiều lần thuyết phục Giang Thanh hãy xin lỗi Chủ tịch, nhận lỗi và mong Chủ tịch bớt cơn thịnh nộ. Chu nói, Chủ tịch mang bản chất thi nhân, người ưa cái đẹp của nữ nhi trẻ khỏe và mỹ miều, chỉ vậy thôi, cho nên vì đại cục, vì lợi ích của toàn Đảng và cả nước, chị chỉ cần thủ phận phu nhân là đủ lắm rồi. Nghe Chu khuyên giải, Giang Thanh không thể không thuần phục, nhưng Mao vẫn giữ trái tim băng giá với “nàng”. Hai lần đi thăm Liên Xô và sau này mỗi năm tuần thú một vòng đông tây nam bắc khắp chốn Thần Châu, Mao đều không cho Giang Thanh tháp tùng với vai vế Chủ tịch phu nhân.
            Hồi ấy, Trung Nam Hải có 5 đôi vợ chồng hòa mục, hạnh phúc, con cái vui vầy, ấy là Lưu Thiếu Kỳ-Vương Quang Mỹ, Chu Đức-Khang Khắc Thanh, Chu Ân Lai-Đặng Dĩnh Siêu (vợ chồng Chu-Đặng tuy không có con riêng, nhưng đã nhận nhiều cô nhi liệt sĩ làm con nuôi), Trần Vân-Trương Phổ Xuân, Đặng Tiểu Bình-Trác Lâm, trong đó Lưu-Vương là đôi “quán quân” khiến mọi người thực sự trầm tồ, ngưỡng mộ và mong ước. Vương là đời vợ thứ năm của Lưu, nhỏ hơn chồng những 23 tuổi, nhưng diện mạo phúc hậu, có học vấn, trọng lễ nghĩa, biết thủ phận, chăm nom chồng chu đáo, quả là bậc hiền nội hiếm có. Bốn đời vợ trước của Lưu để lại cho ông 5 đứa con, thêm 4 đứa với Lưu nữa là 9, tất cả đều do Quang Mỹ nuôi dạy và họ đều cảm nhận như có chung một mẹ. Vương Quang Mỹ là vợ Lưu, nhưng bàn còn đảm nhiệm chức phận thư ký, hộ lý và “một nửa” bác sỹ cho ông.

            Người Trung Nam Hải xì xào, Mao có đại phúc tướng, nhưng chỉ diễm phúc mà thiếu thê phúc, còn Lưu thì khổ tướng, mệnh cực nhưng lại được bù đắp bời đường vợ con. Mỗi lần gặp Vương Quang Mỹ, Mao thường nói, Quang Mỹ à, cô với Thiếu Kỳ thật xứng đôi, thật như hình với bóng. Còn Giang Thanh, người lãnh lẽo nơi “Tĩnh Viên” thì vô cùng ngứa mắt khi nhìn thấy vợ chồng Lưu-Vương cứ “kè kè” bên nhau và đem lòng ghen ghét, nghiến răng tự nhủ, rằng có dịp sẽ “trả thù”.
                    (Còn nữa)

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-3

3. GIA TRƯỞNG TRUNG NAM HẢI
            Lưu Thiếu Kỳ đứng vững vị trí số 2 trong Đảng và chính quyền, chủ trì công tác thường ngày của Trung ương ĐCS, ông và Chu Đức, trần Vân, Bành Hoài Đức cùng Mao Trạch Đông sinh sống tại Phong Trạch Viên-Trung Nam Hải, còn Chu Ân Lai sống ở Tây Hoa Sảnh, một căn nhà cũ hơn nằm ở phí tây bắc khu vực này. Phong Trạch Viên là nơi mà nhà Thanh trước đây dùng để tết lễ hàng năm, gồm 10 kiến trúc kiểu khuôn viên hợp thành. Mao ở ngôi nhà to rộng khoáng đãng nhất với tên gọi là Khúc Hương Tư Thất, tiếp đến Lưu và cả gia đình ở Phúc Lộc Cư, Chu Đức ở Hải Yên Đường, Bành Đức Hoài ở Vĩnh Phúc Đường. Tất cả tên gọi cũ của các kiến trúc đều giữ nguyên, chỉ có chủ nhân mới mà thôi.
            Phúc Lộc Cư và Cúc Hương Tư Thất cách nhau một bức tường, buổi chiều sau bữa cơm tối, Mao và Lưu thường dạo chơi dưới những hàng liễu ven đường và luôn gặp nhau, họ cùng ngồi hút thuốc lá treenc ác ghế đá, rồi bàn luận nhiều việc lớn của đất nước. Lưu Thiếu Kỳ làm việc cần cù, thanh liêm, nghiêm chỉnh, thiện nghệ tu dưỡng lý luận Mác-Lê, lại có cả phương sách kinh tế trị quốc, vì vậy đã nhanh chóng gây được uy tín trong cơ quan Trung ương ĐCS. Nhưng ông kín đáo xây dựng hẹ thống đảng vụ, đưa các thanh niên cốt cán từng làm việc với nhau ở Cục Hoa Bắc trước đây vào vị trí quan trọng trong Đảng và chính quyền, ví dụ: Bành Chân đảm nhận chức vụ Bí thư kiêm Thị trưởng Bắc Kinh, An Tử Văn-Phó trưởng ban tổ chức Trung ương, Bác Nhất Ba- Phó thủ tướng Quốc vụ viện phụ trách công tác kinh tế tài chính, Lưu Lan Đào-Bí thư Cục Tây Bắc... Thời kỳ đó, Mao Trạch Đông nói đùa, ba ngày mà không học là đuổi không kịp Lưu Thiếu Kỳ.
            Cũng từ những ngày ấy Mao, Lưu bắt đầu có các ý kiến khác nhau về xây dựng kinh tế và củng cố quóc phòng. Từ năm 1946, Lưu Thiếu Kỳ đã đề xuất quan điểm “Tân dân chủ nghĩa tân giai đoạn luận” (bàn về giai đoạn mới của chủ nghĩa dân chủ mới), và được Mao cũng như hội nghị Bộ Chính trị lúc bấy giờ thông qua. Theo Lưu, sau khi giành chính quyền, trọng tâm công tác của Đảng nên từ nông thôn chuyển vào thành thị, chuyển sang kinh tế phồn vinh và phát triển toàn diện sức sản xuất. Đợi tới lúc cơ sở kinh tế vững chắc thì mới tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hòa bình nhằm thay đổi quan hệ sản xuất. Quan điểm của Lưu rất phù hợp với chủ nghĩa Mác, nhưng rất tiếc trong Đảng đã xuất hiện những ý kiến tương phản, thể như “Bần cùng cách mạng luận”, “Bạo lực vạn năng luận”, nên ông không có điều kiện thực hiện ý tượng của mình.
            Thoạt đầu, Lưu Thiếu Kỳ chủ trương “Giai đoạn mới”, hòa hoãn từng bước xây dựng nước nhà, khuyến khích thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành phố cũng như kinh tế phú nông ở nông thôn. Mùa đông năm 1949, khi về Thiên Tân, quê hương của phu nhân Vương Quang Mỹ, lúc gặp gỡ các nghiệp chủ công thương gia, Lưu Thiếu Kỳ nói: trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi cần khuyến khích các nhà tư bản bóc lột, khuyến khích họ làm ăn có lãi, bởi vì quý ông có được phép bóc lột thì nhà máy mới mở cửa bình thường, công nhân mới có việc làm, có cơm ăn, không thất nghiệp, trật tự thành phố mới ổn định, bình an. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng sự bóc lột của nhà tư bản không những vô tội mà còn có công nữa.
            Những lời nói của Lưu ở Thiên Tân không lọt nổi tai Mao ngồi tại Bắc Kinh, Mao chau mày, nhà tư sản bóc lột là có công? Thật kỳ quái, chủ nghĩa gì đây, Mã khắc tư hay Ngưu khắc tư? (Mã khắc tư là cách phiên âm tên gọi “Mark” của Trung Quốc, còn “Ngưu khắc tư”, một lối chơi chữ mà Mao muốn ám chỉ Lưu như phường ngựa trâu). Càng làm Mao bực dọc hơn là sau khi Lưu và phu nhân Vương Quang Mỹ xem xong bộ phim “Thanh cung mật sử” do Hồng Kông dàn dựng, Lưu Thiếu Kỳ đã bình luận: phản ảnh sự kiện năm Mậu Tuất, Quang Tự duy tân, phòng ngự ngoại bang là một bộ phim yêu nước. Mao Trạch Đông và đồng chí Giang Thanh cũng xem thử “Thanh cung mật sử”, ông hạ bút biên thư cho các ủy viên Bộ chính trị, tuy khong chỉ đích danh Lưu Thiếu Kỳ vừa khen “Thanh cung mật sử” là bộ phim yêu nước, nhưng Mao khẳng định đó là một sản phẩm bán nước. Lúc bấy giờ, người ta xưng hô Giang Thanh là Mao phu nhân, bởi danh không chính nên ngôn chẳng thuận và do đó dùng đại từ đồng chí là vô thưởng vô phạt.

            Lưu Thiếu Kỳ không giải thích hay tranh luận gì cả, ông tự nhẫn nhục và đó cũng là sự tu dưỡng dày công mà rèn đúc nên tình cách như vậy. Song có điều làm Lưu kinh hãi và thất vọng là Mao đã phớt lờ phương châm “Giai đoạn mới” mà năm 1946 Bộ Chính trị đã từng thông qua, ngược lại có ý thúc đảy chính sách cải tạo chủ nghĩa xã hộ một cách dã man, dùng thủ đoạn chuyên chế để thay đổi quan hệ sản xuất, thay đổi chế độ sở hữu tư liệu sản xuất. Tấn bi kịch lúc này của Lưu là không thể chống đối và cũng bế tắc chẳng có đường ra, đành đi sau Mao, ủng hộ Mao, địa vị mới ổn định, cuộc sống mới bình an. Từ đó, Lưu Thiếu Kỳ chí thú với công việc Đảng vụ, rất ít khi xâm phạm sang lĩnh vực hình thái ý thức, không bàn luận về văn học nghệ thuật nữa. Tuy là Phó chủy tịch quân ủy, nhưng Lưu rất thận trọng trong vấn đề quân đội. Cả hai lĩnh vực trên Mao nắm quyền rất chặt không để Lưu lọt chân vào, nhưng ông vẫn dùng Lưu vào vị trí số 2, ấy là nhằm hạn chế Chu Ân Lai, điều này dễ dàng tra cứu trong “ Tư trị thông giám”, dạy người ta quyền thuật đế vương tay ba.