Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-1

                 LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI

                   ( Theo " Cha tôi- Lưu Thiếu Kỳ" của Lưu Ái Cầm và Ân Oán Trung Nam Hải" của Kinh Phu Tử"



THAY LỜI TỰA

Lưu Thiếu Kỳ sinh năm 1898 và mất năm 1969, cố Chủ tịch nhiệm kỳ thứ hai của cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1959-1969).
Ngày 24 tháng 11 năm 1998, tại lễ kỷ niệm lần thứ 100 sinh nhật Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch Giang Trạch Dân đánh giá cao cuộc đời của Lưu, kêu gọi toàn Đảng cộng sản Trung Quốc hãy học tập trước tác Lưu Thiếu Kỳ, bởi đó là kho tàng kinh nghiệm quý báu cho cải cách mở cửa hôm nay.
Nhân dịp này bà Lưu Ái Cầm, con gái Lưu Thiếu Kỳ đã cho xuất bản cuốn sách “ Cha tôi, Lưu Thiếu Kỳ” ( NXBND Liêu Ninh ấn hành tháng 11-1998). Bà viết: Cha là vĩ nhân kiểu bi kịch, tôi muốn qua tấn bi kịch này mà tìm lại sự vĩnh hằng và cao quý của ông.
Chúng tôi xin tổng hợp hai tư liệu, sách của Lưu Ái Cầm và “ Ân oán Trung Nam Hải” do Kinh Phu Tử biên soạn, để giới thiệu với bạn đọc về một vị Chủ tịch nước cộng hòa mà lịch sử thành lập vừa tròn thế kỷ (1949-1999).
1.Nguồn gốc sâu xa
Ngày 26 tháng 12 năm 1893, tại một gia đình nông dân giàu có, nhưng trình độ văn hóa thấp ở Thiều Sơn, huyện Tương Đàm tỉnh Hồ Nam đã ra đời người con trai, đặt tên Mao Nhuận Chi, từng dùng bí danh Lý Đức Thắng, Tử Nhiệm, Nhị Thập Bát Họa, người ấy sau này chính là chủ tịch Mao Trạch Đông của ĐCS Trung Quốc.
             Năm năm sau, ngày 24-11-1898, một người con trai khác ra đời ở Hoa Minh Lâu, huyện Ninh Hương cùng tỉnh Hồ Nam, trong gia đình địa chủ suy thoái, bại sản, thủa nhỏ gọi là Lưu Vệ Hoàng, lớn lên mang khá nhiều bí danh: Lưu Vệ Hoàng, Hồ Phục, Triệu Chi Khởi, Lưu Nhân, Đào Thượng Hành, Mạc Văn Hoa, người ấy sau này trở thành Chủ tịch của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Lưu Thiếu Kỳ.
            Thiều Sơn và Hoa Minh Lâu tuy thuộc hai huyện Tương Đàm và Ninh Hương, nhưng cách nhau chỉ có 9 cây số. Cả hai xã này đều có chung một ngon Thiều Phong rất huyền bí, nhà Mao dưới chân núi phía nam, còn quê Lưu thì ở bên sườn Tây. Tương truyền hơn bốn ngàn năm về trước, thời Nghiêu Thuấn, nơi Thiều Phong này đã xuất hiện một loại âm nhạc cổ xưa nhất của Trung Quốc gọi là Thiều nhạc, nhưng rất tiếc Thiều nhạc sớm bị thất truyền, hậu thế đành bó tay không thể khai thác. Cũng có thể những âm hưởng tàn dư của Thiều nhạc ngưng kết thành u khí sơn lâm, lâu rồi mà vẫn không tan biến, khiến bình nguyên dưới chân ngọn Thiều Phong trở thành nơi địa linh nhân kiệt, vào cuối thếw kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một luồng linh khí đế vương chăng.
            Hai nhà Mao, Lưu tuy láng giềng nhưng thời niên thiếu con cái của họ Nhuận Chi và Vị Hoàng chưa hề biết nhau. Năm 1913, Mao Trạch Đông tròn 20 tuổi và thi vào Trường sư phạm số 1 Trường sa ( Tỉnh lỵ Hồ Nam), sau đó cùng các bạn như Thái Hòa Sâm lập nên tổ chức “ Tân dân học hội” và bắt đầu hoạt động cách mạng.
            Ba năm sau, 1916, chàng thanh niên 18 tuổi Lưu Thiếu Kỳ cũng vào học ở Trường sư phạm số 1 Trường Sa, cùng dưới một mái trường, cùng có chung một tâm trạng không yên tâm học hành, cùng đứng trong một thế hệ thanh niên cấp tiến nóng lòng cải tạo xã hội, cải tạo đất nước, cùng là những hảo hán Hồ Nam thân hình cao lớn ( Mao cao 1,82m, Lưu chỉ kém 2 phân-1,80m) thế mà họ vẫn chưa thân quen nhau, thậm chí còn không biết tên nhau nữa.
            Cả hai đều rời Trường sư phạm số 1 Trường sa cùng một năm 1918 và lần lượt lên Bắc Bình ( nay là Bắc Kinh). Mao hồ hởi nhưng không mấy đắc chí, may nhờ ân sư Dương Hoài Trung giúp đỡ nên được nhận vào thư viện đại học Bắc Bình làm chân trợ lý, chức vụ đã thấp mà lương bổng không nhiều, cuộc sống rất thanh bần. Bắc Kinh là nơi tàng long ngọa hổ, tụ hội anh tài, nếu cứ mãi với chức phận thủ thư thì khó mà xuất đầu lộ diện. Mao không chịu sự cô tịch, đơn điệu đó, và cũng không muốn phiêu bạt trùng dương sang tận xứ người “ cần công kiệm học”. Ông lăn lộn tìm cơ hội ở thủ đô được vài tháng thì đầu năm 1919 lên đường ngang qua Thượng Hải rồi trở về quê nhà Hồ Nam, dừng chân chốn cũ Trường Sa, nghiễm nhiên trở thành lãnh tụ thanh niên nơi ấy, ông sung sướng và hăng hái như cá gặp nước. Ở Trường Sa, Mao Trạch Đông vừa dạy quốc văn tại một trường tiểu học, vừa cùng bạn hữu sáng lập tạp chí “ Tân tương bình luận”, tổ chức văn hóa thư xã, vận động bãi công bãi khóa để hưởng ứng phong trào ngũ tứ ở Phương bắc. Năm 1920 Mao đứng ra thành lập “ Đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa Hồ Nam” và tự phong là lãnh tụ của hai tổ chức này. Năm 1921 với danh nghĩa đại biểu Hồ Nam, Mao Trạch Đông tham dự hội nghị thành lập ĐCS Trung Quốc, tổ chức bí mật ở Thượng Hải. Dự hội nghị đó chỉ có 13 người và Hồ Nam cử hai đại biểu là Hà Thúc Bằng cùng Mao. Từ Thượng Hải, Mao tiếp tục trở về Hồ Nam vận động công nhân, ít lâu sau chuyển hướng phát động nông dân. Lịch sử ghi nhận nhiều vị hào kiệt nhờ soái lĩnh nông dân, cầm quân khởi nghĩa đã chiếm cả thiên hạ. Mao Trạch Đông cuồng tín điều đó và sau này càng ngày càng thể hiện như một nguyên tắc.
            Còn nhà cách mạng trẻ tuổi Lưu Thiếu Kỳ? Năm 1919, ông tham gia phong trào ngũ tứ ở Bắc Bình và Bảo Định, sau đó chuyển về Ngoại ngữ học xá Thượng Hải học tiếng Nga. Năm 1920 tham gia Đoàn thanh niên XHCN Trung Quốc ở Trường Sa, tham gia đoàn cần công kiệm học, nhưng không giống như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và nhiều người khác đều qua Pháp, Lưu Thiếu Kỳ được bí mật gửi sang Liên Xô nghiên cứu. Năm 1921, Lưu gia nhập ĐCS Trung Quốc tại Trường đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, đây là nơi chuyên đào tạo cán bộ cao cấp cho các ĐCS Phương Đông. Năm 1922, Lưu Thiếu Kỳ về nước vận động công nhân, ít lâu sau cùng với Lý Lập Tam, ông trở thành lãnh tụ nổi tiếng của phong trào công vận Trung Quốc và đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch Tổng công hội Trung Hoa.
            Trong khi ở Hồ Nam, Mao Trạch Đông say sưa với phong trào nông vận thì Lưu Thiếu Kỳ bôn ba từ Bình Hương, Thượng Hải đến Vũ Hán chăm lo cho phong trào công nhân. Hai nhà cách mạng trẻ tuổi Hồ Nam mỗi người một lĩnh vực, cuộc tranh giành quyền lực giữa họ hình như đã bắt đầu.
            Năm 1923, ĐCS Trung Quốc triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ ba tại Quảng Châu. Quốc Dân Đảng triệu tập Đại hội 1 cũng ở Quảng Châu. Hai đảng quyết định hợp tác. Được Đảng chỉ định với tư cách là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký tổng công hội Trung Hoa, Lưu Thiếu Kỳ gia nhập QDĐ Trung Quốc. Cũng năm đó, Mao Trạch Đông là ủy viên Trung ương ĐCS, và với tư cách cá nhân, ông gia nhập QDĐ, đồng thời được bầu làm Ủy viên TW dự khuyết của Đảng này.
            Năm 1925, Mao Trạch Đông từ Thượng Hải trở về Hồ Nam thành lập nông hội và chi bộ ĐCS tại quê nhà Thiều Sơn. Thời kỳ đó, Mao bị đốc quân Hồ Nam là Triệu Hằng Thích vây bắt, nhưng thoát nạn, lại đi Quảng Châu nhờ QDĐ che chở, bao bọc, đảm nhiệm chức Trưởng ban tuyên truyền cho QDĐ, chủ biên tờ “ Chính trị tuần báo”, sau đó không lâu còn kiêm nhiệm Sở trưởng Sở học tập vận động nông dân toàn quốc thuộc ban tuyên truyền của QDĐ. Tất nhiên Mao không phục vụ gì cho QDĐ mà chủ tâm phát triển ĐCS trong Sở học tập này và bồi dưỡng cán bộ cộng sản.
             Lúc bấy giờ Chu Ân Lai là chủ nhiệm phòng chính trị Trường Quân sự Hoàng Phố, Diệp Kiếm Anh là giáo viên, các đảng viên khác như Nhiếp Vinh Trăn, Trần Nghị, Lâm Bưu đều có vị trí ở Trường quân sự.
            Năm 1925, trùng hợp thay, Lưu Thiếu Kỳ cũng trở về Hồ Nam và bị Triệu Hằng Thích bắt giam và tuyên án tử hình, nhưng Triệu phải thu hồi sắc lệnh vì sự phản đối của công luận, ông chỉ còn cách trục xuất Lưu ra khỏi địa phận Hồ Nam. Lưu Thiếu Kỳ tìm tới Quảng Châu mượn vây cánh của QDĐ để tiếp tục hoạt động công vận, vươn lên chức chủ tịch tổng công hội Trung Hoa, trở thành lãnh tụ tối cao của phong trào công nhân cả nước.
            Cần nói thêm rằng, vào những năm 20, vị trí của Lưu trong ĐCS cao hơn Mao, Mao chỉ là nhà lãnh đạo của Đảng ở Hồ Nam, thậm chí không phải bí thư tỉnh ủy ở đó, còn Lưu, lúc Quảng Châu, khi Thượng Hải, lúc Vũ Hán, khi Thiên Tân chỉ huy phong trào công nhân, học sinh trong toàn quốc, hô mưa, gọi gió, xuất quỷ nhập thần, uy phong lỗi lạc.
             Năm 1927, Tưởng Giới Thạch- Tổng tư lệnh quân cách mạng QDĐ thi hành chủ trương “ Thanh đảng”, ra lệnh bắt bớ những người cộng sản trên phạm vi cả nước. Ngày 1-8 năm đó, Chu Ân Lai, Chu Đức, Hạ Long lãnh đạo khởi nghĩa Nam Xương nổ phát súng đầu tiên của cách mạng công nông. Tháng 10, tại Hồ Nam, Mao Trạch Đông lãnh đạo cuộc “ bạo động Thu Thu” ( vụ gặt mùa thu), thống lĩnh năm ngàn nông dân vũ trang kéo lên Tĩnh Cương Sơn Lập căn cứ kiểu như Lương Sơn Bạc thời xưa, mở đầu cục diện cát cứ quân sự trong ĐCS Trung Quốc. Ở Tĩnh Cương Sơn, Mao trở thành một trong những nhà chỉ huy quân sự quan trọng của ĐCS, ông thể hiện tài năng kiệt xuất về chiến tranh du kích, Trong 7 năm từ 1927 đến 1934, Tĩnh Cương Sơn bị quân Tưởng vây tiễu 5 lần, 4 lần Tưởng phải chịu thua, khu căn cứ phát triển, cường thịnh, cơ quan TW của ĐCS Trung Quốc từ Thượng Hải đã bí mật di dời về đây, hình thành nên “khu Xô Viết”. Nhưng vị trí lãnh đạo của Mao ở Tĩnh Cương Sơn không vững chắc, ông chỉ chỉ huy 2 lần phản vây tiễu, sau đó phải nhường quyền cho Chu Ân Lai- Trưởng ban quân sự ĐCS đảm nhiệm, thủ tiêu chức vụ chính ủy hồng quân của Mao. Nếu như các nhà lãnh đạo tối cao của ĐCS là Lý Lập Tam, Cù Thu Bạch và Bác Cổ không lần lượt mắc sai lầm tả khuynh, manh động và đặc biệt nếu Chu Ân Lai, Chu Đức không thất thế trong chỉ huy phản vây tiễu lần thứ 5, khiến khu Xô Viết phải bị triệt hạ, Hồng quân phải rút lui trên hơn hai vạn năm ngàn cây số, thì Mao Trạch Đông nhiều lắm, cũng chỉ là một tướng lĩnh cỡ như Trần Nghị, Lưu Bá Thừa, Hạ Long mà thôi. Có thể nói vai trò lãnh đạo trong ĐCS của Mao là nhờ được xác lập trên con đường vạn lý trường chinh.
            Thời gian dó, Lưu Thiếu Kỳ kiên trì đường lối đấu tranh bí mật trong các thành phố, hầu như từ đầu đến cuối Lưu “ thiếu hứng thú” với súng ống. Năm 1928, Lưu là chủ tịch Ủy ban công vận của ĐCS, quân vận là Chu Ân Lai và nông vận là Bành Bái, đây là 3 chi nhánh lực lượng quan trọng của Đảng. Mùa hè năm 1928, Lưu đi khắp các tỉnh Hoa Bắc, Đông Bắc để xây dựng cơ sở cách mạng bí mật, ông kiêm nhiệm bí thư tỉnh ủy Hà Bắc. Năm 1929, được giao nhiệm vụ bí thư Mãn Châu, trở thành vua bí mật Đông Bắc đầu tiên của ĐCS, ông bị bộ hạ tướng Trương Học Lương vây bắt ở Phụng Tiên ( nay là Thẩm Dương), nhưng Trương vì đại nghĩa kháng Nhật nên đã phóng thích Lưu. Đây là lần thứ 2 Lưu thoát chết, nhưng hơn 40 năm sau, khi cách mạng văn hóa ập xuống Thần Châu, tuy đã là “Chủ tịch nước CHND Trung Hoa”, phó chủ tịch thứ nhất ĐCS Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ vẫn bị bộ hạ của người cầm lái vĩ đại ngụy tạo, bôi nhọ 2 lần vào sinh ra tử này để cuối cùng Mao Trạch Đông tuyên án ông là “ Đại phản bội”, “đại nội gian”, “đại công tặc”, và đi tới tấn thảm kịch: chết vô địa táng. Ấy là truyện về sau mà thiên tư liệu sẽ trình bày tỉ mỉ.
            Năm 1931, lần thứ 2 Lưu Thiếu Kỳ đi Liên Xô, sau khi về nước ông được bầu là ủy viên Bộ chính trị Trung ương ĐCS. Năm 1932, thi hành mệnh lệnh của Đảng, Lưu Thiếu Kỳ rời Mãn Châu tới “ Khu Xô Viết” Giang Tây đảm nhiệm chức vụ Tổng công hội toàn quốc. Ông sống chung với Mao Trạch Đông ở thôn Sa Điền Bá huyện Thụy Kim. Lúc này Mao chỉ còn giữ chức chủ tịch ‘Khu Xô Viết”, chức chính ủy hồng quân đã bị bãi miễn. Hai nhà cách mạng đồng hương Hồ Nam, đều sinh ra dưới chân ngọn Thiều Phong, nam chinh bắc chiến, nay mới có dịp gần gũi với nhau mà nói chuyện "tình làng nghĩa xóm". Hồi ấy, Lưu thường bàn luận với Mao về chủ nghĩa Mác Lê Nin, Mao khâm phục nhà lý luận của Đảng, bởi vì lâu nay ông chỉ quen đọc các tác phẩm cổ điển Trung Quốc, Mao càng kính mến người bạn đồng hương có tính cách đáng nể, trầm tính, ít lời, thích tư duy, có tài tổ chức và chỉ huy.
            Thời gian “ nhàn hạ” nhanh chóng qua đi, Lưu Thiếu Kỳ được trọng dụng, từng là đại diện của ĐCS tại nhiều quân đoàn và cũng đã tham gia vạn lý trường chinh. Tháng 1-1935, tại hội nghị Bộ Chính Trị TW mở rộng tại Tuân Nghĩa ( Tỉnh Quý Châu), Lưu Thiếu Kỳ ủng hộ đồng hương Mao Trạch Đông. Từ đó vị trí lãnh đạo quân sự của Chu Ân Lai trong Đảng chỉ là “hữu danh vô thực”, binh quyền dần dần rơi vào tay Mao, và sau đó ông không bao giờ giao quyền ấy cho một ai. Tháng 12-1935, Hồng quân sau cuộc vạn lý Trường chinh đã đứng chân tại Ngõa Dao Bảo tỉnh Thiểm Tây, Lưu tiếp tục hành quân đi Hà Bắc để xây dựng Cục Hoa Bắc của ĐCS Trung Quốc, lãnh đạo quân đội Sơn Tây kháng Nhật, củng cố chiến khu Hoa Bắc. Lưu đảm nhận chức vụ Bí thư Hoa Bắc cùng với một ê kíp khá tâm đầu ý hợp như Bành Chân, Bạc Nhất Ba, An Tử Văn, Lý Tuyết Phong, Đặng Thác, Hồ Kiều Mộc.
            Tháng 5-1937, Lưu Thiếu Kỳ về Diên An, chủ trì hội nghị công tác “ khu trắng” là vùng địch hậu, nơi quân Nhật chiếm đóng, hoặc chính quyền Tưởng Giới Thạch thống trị. Thời ấy ở Diên An, hầu như chưa ai hiểu được mưu lược của Mao Trạch Đông, ông phân vạch công tác của ĐCS thành 2 bộ phận, “khu trắng” và “khu đỏ”, Mao nắm “đỏ” còn “trắng” giao cho Lưu, vô hình trung bài trừ các nhân vật có tầm cỡ như Trương Văn Thiên, Chu Ân Lai, Chu Đức, Vương Minh. “Khu trắng” gian nan vất vả, dễ bị sơ suất, oan nghiệt cả một đời. Năm 1936, lúc Lưu Thiếu Kỳ làm bí thư Hoa Bắc, có 61 cán bộ ĐCS hoạt động bí mật không may bị bắt giam tại “ Viện phản tỉnh quân nhân Bắc Bình” của QDĐ. Lúc bấy giờ quân Nhật lăm le xâm chiếm Bắc Bình- Thiên Tân, phía QDĐ đề xuất, bên ĐCS đồng ý cho phép 61 tù nhân này viết bản đầu thú phóng thích kẻo sa vào tay quân Nhật thì nguy khốn. Trương Văn Thiên lúc bấy giờ là Tổng bí thư ĐCS đã báo cáo Mao Trạch Đông sự việc nêu trên và đồng ý giải pháp “đầu thú”. 61 cán bộ hồi ấy sau này là cốt cán của Lưu, giúp ông tăng cường thực lực trong Đảng, nhưng cũng hơn 40 năm sau, khi Mao phát động cách mạng văn hóa, ông đã bội tín, phủ nhận lịch sử, gán cho 61 con người đó là “tập đoàn phản bội” và tống giam vào ngục thất.
Tháng 11-1938, sau khi xây dựng và đưa cục Hoa Bắc  đi vào nề nếp, Lưu Thiếu Kỳ lại tiếp tục chuyển sang địa bàn Hoa Trung, lập căn cứ kháng Nhật vùng Hà Nam, Giang Tô, An Huy. Đây là thời kỳ mà Lưu đã phát huy vai trò lãnh đạo của mình như một đại thụ lý luận với những trước tác nổi tiếng: “ Về phong trào quần chúng và tổ chức Đảng trong khu trắng”, “ Bàn về tu dưỡng của Đảng viên cộng sản”, “ Đấu tranh trong Đảng”. Những tác phẩm nêu trên đều được Mao Trạch Đông đề nghị đưa vào tài liệu học tập cần thiết của Đảng viên và của các tổ chức Đảng.
            Năm 1939 sự kết hợp giữa Mao và Lưu thân mật hơn một bước, Lưu Thiếu Kỳ tiến cử thư ký số một của mình là Hồ Kiều Mộc cho Mao Trạch Đông, Mao rất phẩn khởi và đồng ý một cuộc trao đổi, giao Đặng Lực làm thư ký cho Lưu. Hồ Kiều Mộc và Đặng Lực là 2 vị tú tài của Đảng CS, thuộc lớp người: “ hạ bút vạn lời, khiến bao binh mã phải dừng chân”, nhưng Hồ Kiều Mộc trội hơn Đặng Lực rất phù hợp với Mao, Lưu Thiếu Kỳ còn đem cả bài từ mà 3 năm trước Hồ Kiều Mộc tặng mình dâng lên Mao Trạch Đông. Đó là những lời thơ về đề tài “ bướm yêu hoa” và vịnh tuyết, Mao đọc và cảm kích vô cùng, quả đúng là một áng văn đầy hào khí, sẽ hữu dụng sau này. Lưu tiến cử thư ký của mình cho Mao, dâng cả lời lẽ đế vương lên ông là một thành ý bội phần, người nhận lễ chẳng rõ tấm lòng này không.
            Tháng giêng năm1941, “Sự biến Hoản Nam” (miền nam tỉnh An Huy) xảy ra, Tân tứ quân ở Hoa Trung sa vào vòng vây của QDĐ, 25000 quân của ĐCS bị hốt gọn. Trung ương phải lập tức cử Lưu Thiếu Kỳ làm chính ủy cùng Trần Nghị, Nhiêu Thấu Thạch, Lật Du tổ chức lại lực lượng võ trang này, phát triển thành dã chiến quân số 3, chủ lực trong chiến dịch Hoài Hải về sau, một chiến dịch có tầm quan trọng then chốt giành thắng lợi vào năm 1949, lập nên nền cộng hòa nhân dân ở Trung Quốc.
            Năm 1943, Lưu trở về Diên An, đảm nhiệm công tác ở cơ quan TW ĐCS, lúc này ông đã là nhân vật lãnh đạo số 2, trên Trương Văn Thiên, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân. Chức danh của Lưu Thiếu Kỳ năm ấy là Bí thư ban Bí thư, phó chủ tịch ủy ban quân sự cách mạng. Ông toàn tâm toàn lực hiệp sức với Mao Trạch Đông, cùng thực hiện phong trào chỉnh phong Diên An liên tục trong 3 năm.
            Cũng năm 1943, lần đầu tiên trong ĐCS, người ta nghe một thuật ngữ khá lạ tai do Lưu Thiếu Kỳ đề xuất, ấy là tư tưởng Mao Trạch Đông, và từ đó Mao bước lên địa vị lãnh tụ tối cao không chỉ trong Đảng, trong Quân đội, mà cả trên lĩnh vực lý luận nữa.
            Lưu Thiếu Kỳ tiếp tục phát minh ra công thức, “ chủ nghĩa Mác Lê Nin cộng với thực tiễn cách mạng Trung Quốc thành tư tưởng Mao Trạch Đông”. Thuật ngữ và công thức của Lưu Thiếu Kỳ khiến các chính trị gia như Trương Văn Thiên, Bác Cổ, Vương Minh, Hà Khải Phong, các nhà quân sự như Chu Đức, Bành Đức Hoài, Hạ Long, Trần Nghị phải ngạc nhiên, nhưng sau đó người ta hiểu ngay “ họ Lưu đã ủng hộ Mao”. Còn Mao Trạch Đông, ông lĩnh hội hết ý nghĩa của hai cống hiến này, nhận lãnh để rồi đây sẽ sử dụng. Mao, Lưu kết hợp chặt chẽ, giao cho Khang Sinh và bộ hạ thuộc Bộ Tình báo rà soát lai lịch của từng cán bộ ở Diên An, họ gọi đợt chỉnh phong đó là “phong trào cấp cứu”, không cho phản bội, nội gian đặc vụ lọt lưới, tỉ như phái Vương Minh, Trương Quốc Đào đã bị xử lý thẳng tay, Chu Ân Lai, Chu Đức, Bành Đức Hoài cũng phải kiểm thảo, phê phán, các tướng soái từ mọi chiến trường được triệu tập về Hồng đô Diên An học tập thống nhất nhận thức.
            Hồi ấy Mao Trạch Đông trọng dụng đồng hương họ Lưu vì ông nhìn thấy đặc điểm con người này, lập nghiệp từ phong trào công nhân, hoạt động bí mật khá lâu dài và có kinh nghiệm rất phong phú, nhưng không nắm binh quyền và súng ống, không có vây cánh trong Quân đội và do đó sẽ không cấu thành lực lượng uy hiếp tiềm ẩn sau này. Điều này khác với Chu Ân Lai mà người ngoại quốc lúc bấy giờ tôn xưng là “ cha đẻ của Hồng quân công nông Trung Quốc”, dưới trướng có vô vàn môn sinh Hoàng Phố. Chu mới là đối thủ cho nên Mao cử Chu đi Trùng Khánh đàm phán với Tưởng Giới Thạch. Về phần Lưu Thiếu Kỳ, ủng hộ Mao, giương cao ngọn cờ “ tư tưởng Mao Trạch Đông” là con đường tất yếu, nhờ đó ông mới có điều kiện chiếm lĩnh vị trí số 2, đối với Mao ông quả là đại ân, đại đức và cũng được đền đáp. Mao Trạch Đông chỉ đạo các tay bút của Đảng CS dự thảo một văn kiện có tính cương lĩnh để khẳng định công tích và địa vị của Lưu Thiếu Kỳ. Đó là bản “ Quyết nghị về một số vấn đề lịch sử của Đảng”, sau khi phủ nhận chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh Trần Độc Tú, chủ nghĩa manh động tả khuynh Cù Thu Bạch, Lý Lập Tam, chủ nghĩa đào tẩu Trương Quốc Đào, chủ nghĩa giáo điều bè phái tả khuynh Vương Minh, Bác Cổ. Mao Trạch Đông khẳng định hai đường lối đúng đắn của Đảng: Một là đấu tranh võ trang ở khu Xô Viết do Mao làm đại biểu, hai là đấu tranh bí mật tại vùng địch hậu, khu trắng do Lưu đứng dầu. Sự kết hợp giữa 2 đường lối đúng đắn này khiến toàn Đảng thống nhất tư tưởng, ý chí, hiệu lệnh sách lược và hành động. 
            Tháng 4-1945, tại Diên An, đại hội 7 của ĐCS Trung Quốc thông qua văn kiện nêu trên, Mao Trạch Đông được ủng hộ và sùng bái chưa từng có. Lưu Thiếu Kỳ đọc báo cáo sửa đổi điều lệ Đảng, lần đầu tiên ghi rõ: “ lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo trong toàn Đảng”. Đại hội 7 bầu Mao Trạch Đông giữ 4 chức chủ tịch: Bộ Chính trị TW, Ban Bí thư TW, Ủy ban quân sự TW và ủy ban biên tập sách báo TW, còn Lưu Thiếu Kỳ đứng vị trí thứ hai trước Chu Đức, Chu Ân Lai và Trần Vân.

     (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét