Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

LƯU THIẾU KỲ& ÂN OÁN TRUNG NAM HẢI-7

7. TINH THẦN HẢI THỤY
            Mùa xuân năm 1959, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ hợp tác với nhau trong công việc sửa sai tả khuynh, phải nói là khá ăn ý. Thượng tuần tháng 4, kỳ họp thứ 1 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 2 được tiến hành ở Bắc Kinh. Tại kỳ họp này, Mao Trạch Đông từ bớt một chức là Chủ tịch nước và theo đề nghị của Hội nghị Trung ương 6 khóa 8, Đại hội đã bầu Lưu Thiếu Kỳ đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc xác lập hai chủ tịch, một bên Đảng, một bên nhà nước. Mao, chủ tịch Đảng kiêm Quân ủy Trung ương; Lưu, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, kể từ đó trên báo chí, trong công sở bắt đầu đầu đặt song song ảnh của hai vị Mao, Lưu.
            Lưu Thiếu Kỳ bước lên tầm cao mới, tuy rất phấn khởi nhưng ông cũng tự biết rằng mình không thể bằng vai vế với Mao, vẫn phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, cẩn thận tấu trình. Kỳ họp kết thúc, hạ tầng tháng 4, Mao đi Thượng Hải chủ trì hội nghị công tác Trung ương, những người đứng đầu các bộ, ngành, bí thư thứ nhất các tỉnh, thành và khu tự trị đều được triệu tập tham dự. Theo thường lệ, ngày họp, đêm xem kịch hoặc khiêu vũ. Vào một tối nọ, Chu Tiểu Nhân-bí thư tỉnh Hồ Nam, quê hương Mao-mời Mao đi xem vở “Thanh quan Hải Thụy”. Xem xong vở tương kịch (ca kịch của địa phương Hồ Nam) này, Mao rất thích, ông bước lên sân khấu bắt tay chúc mừng và cảm ơn các diễn viên, đoạn mời nữ diễn viên chính đến nơi Mao ở để khiêu vũ và ăn bữa khuya. Ngày hôm sau, Mao cho người đi tìm cuốn “Minh sử” để ông nghiên cứu về nhân vật Hải Thụy. Tại hội nghị Trung ương, Mao ca ngợi Hải Thụy chí công vô tư và kêu gọi toàn Đảng học tập tinh thần Hải Thụy dám đấu tranh trước triều đình, thẳng thắn can gián thượng cấp. Mao Trạch Đông yêu cầu cán bộ Đảng đều phải thực hiện “5 điều không sợ”, không sợ bị khai trừ Đảng tịch, không sợ bị mất chức bị kiểm tra, không sợ ly hôn với vợ, không sợ ngồi tù, không sợ bị chặt đầu, nghĩa là dám xả thân, dám kéo “hoàng đế hạ mã”. Khi trình bày những vẫn đề này, nét mặt Mao hớn hở, nụ cười tươi vui khiến mọi người tin tưởng độ này Mao Chủ tịch thật tự do dân chủ!      
Hội nghị thượng Hải bế mạc, Mao cùng đoàn người của văn phòng Mao Chủ tịch mã hồi Bắc Kinh. Chủ nhiệm văn phòng là Hồ Kiều Mộc theo ý chỉ của Mao thân hành đến gặp chuyên gia Minh sử, giáo sư Ngô Hàm, phó thị trưởng Bắc Kinh. Hồ Kiều Mộc cho Ngô Hàm biết chỉ thị của Mao hiệu triệu toàn Đảng học tập Hải Thụy và yêu cầu viết một bài về sự tích Hải Thụy đăng lên “ Nhân dân nhật báo”. Nhận lãnh nhiệm vụ, giáo sư Ngô Hàm cho đăng 2 bài “ Hải Thụy thượng sớ”( dâng sớ) và “ Hải Thụy bãi quan”, được bạn đọc “ Nhân dân nhật báo” hoan nghênh nhiệt liệt. Mùa hè năm ấy, Mã Liên Lương, nhà biểu diễn nghệ thuật trứ danh của viện kinh kịch Bắc kinh khẩn thiết mời Ngô Hàm viết cho viết ông một kịch bản nói về Hải Thụy. Ngô Hàm xưa nay chưa hề sáng tác kịch bản, nhưng vì Mã Liên Lương, người đứng đầu giới kinh kịch đã yêu cầu, vả lại Mao chủ tịch vừa chỉ thị toàn Đảng học tập Hải Thụy nên ông mạnh dạn nhận lời viết thử. Quả nhiên nhà sử học ngây thơ phải cặm cụi năm lần bảy lượt mới ra được vở kịch lịch sử biên soạn lại, tựa là “ Hải Thụy bãi quan”, đầu năm 1960 đăng trên nguyệt san “ Văn nghệ Bắc Kinh”. Sau đó viên kinh kịch Bắc Kinh dàn dựng vở kịch, Mã Liên Lương thủ vai Hải Thụy, liên tục 2 tháng trời không lúc nào thừa chỗ, khán giả vỗ tay như sấm dậy. Mao Trạch Đông cũng tới xem và hết sức tán dương, còn mời Mã Liên Lương về Trung Nam Hải ăn cơm, khen ông diễn một vở kịch hay, làm việc tốt cho nhân dân. Mã Liên Lương phấn khởi vô cùng, nửa đêm gõ cửa nhà Ngô Hàm báo tin vui, Ngô Hàm hân hoan lạ thường. Nhưng có ai ngờ khi bắt đầu cách mạng văn hóa, để loại bỏ Lưu Thiếu Kỳ và phái hệ của ông, Mao Trạch Đông đã dùng vở kịch lịch sử biên soạn lại “ Hải Thụy bãi quan” như một con dao lợi hại, khiến tác giả nhà nghiên cứu Minh sử Ngô Hàm và ngôi sao trên bầu trời kinh kịch Trung Quốc, người thủ vai Hải Thụy đã phải chết  một cách thảm khốc. Đó là câu chuyện hồi sau của thiên tư liệu này mà chúng tôi sẽ kể tiếp.
                                                (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét